Tuy nhiên, phần lớn mọi người lại dành gần 80-90% thời gian ở trong nhà, và sau đó là đi từ nhà tới các văn phòng, các trung tâm thương mại và địa điểm giải trí.
Vì lẽ đó, các kiến trúc sư và nhà thiết kế luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp kiến trúc và nội thất giúp thúc đẩy hạnh phúc, sức khỏe và cảm giác thoải mái cho con người cả trong hiện tại và tương lai. Và thiết kế biophilic là một trong số đó.
Biophilia là gì?
Kể từ những nền văn minh đầu tiên, thiên nhiên đã đóng vai trò là môi trường sống tự nhiên của con người, cung cấp nơi ở, thức ăn và các liệu pháp chữa lành. Đến thời hiện đại, các cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ đã diễn ra, định hình lại cách con người tương tác với thiên nhiên. Thuật ngữ ‘biophilia’ có nghĩa là ‘tình yêu của những sinh vật sống’ trong tiếng Hy Lạp cổ đại.
Mặc dù thuật ngữ này có vẻ tương đối mới và đang dần trở thành xu hướng trong các lĩnh vực kiến trúc và thiết kế nội thất, nhưng biophilia lần đầu tiên lại được sử dụng bởi nhà tâm lý học Erich Fromm vào năm 1964, sau đó được phổ biến bởi nhà sinh vật học Edward O Wilson vào những năm 1980 khi ông phát hiện ra rằng quá trình đô thị hóa đã dẫn đến việc ngắt kết nối của con người với thiên nhiên.
Thiết kế biophilic là gì?
Nguyên tắc chính của thiết kế biophilic khá đơn giản: Kết nối con người với thiên nhiên để cải thiện sức khỏe của chính con người. Các kiến trúc sư thực hiện kết nối này bằng cách tích hợp thiên nhiên vào trong từng thiết kế.
Chiến lược chính ở đây là đưa các đặc điểm của thế giới tự nhiên vào các không gian nhân tạo, chẳng hạn như nước, cây xanh, ánh sáng tự nhiên, hay các vật liệu như gỗ và đá. Việc sử dụng các hình dạng giống thực vật thay vì các đường thẳng cũng như thiết lập mối quan hệ trực quan, ví dụ giữa ánh sáng và bóng tối, là đặc điểm của thiết kế biophilic.
Tại sao chúng ta cần thiết kế biophilic tại nơi làm việc?
Rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về lợi ích của việc tích hợp thiên nhiên vào nơi làm việc. Một nhân viên dành trung bình 8-9 giờ mỗi ngày để ngồi trong văn phòng, một thói quen cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến cơ thể họ. Các tác động tiêu cực bao gồm: giảm tỷ lệ trao đổi chất, tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim, tăng nguy cơ trầm cảm, đau lưng và cổ. Gần đây, các kiến trúc sư đã tích hợp các thiết kế biophilic vào những không gian làm việc hiện đại, giúp tăng năng suất và khả năng sáng tạo, đồng thời giảm thiểu tình trạng nhân viên vắng mặt. Nói cách khác, văn phòng càng không có cảm giác hoặc trông giống văn phòng, thì kết quả càng tốt.
Gỗ là vật liệu ưa thích của thiết kế biophilic
Trong khi có nhiều cách để thực hiện các thiết kế biophilic, một giải pháp phổ biến là sử dụng gỗ. Gỗ là một vật liệu tự nhiên và linh hoạt, và tạo ra một kết nối tuyệt vời với không gian bên ngoài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng gỗ mộc có thớ có thể giúp con người thư giãn hệ thống thần kinh và giảm phản ứng căng thẳng.
Với vẻ ngoài dễ chịu, gỗ mang đến một kết nối thị giác độc đáo với thiên nhiên nhờ sự phong phú về chủng loại, kết cấu và màu sắc. Cho dù gỗ được sử dụng làm sàn, các tấm đỡ hoặc đồ nội thất, sức hấp dẫn của vật liệu này là không thể phủ nhận. Trong khi một số kiến trúc sư chọn cách đánh bóng gỗ để chúng trông tinh tế hơn, những người khác lại sử dụng vật liệu này nguyên bản để làm nổi bật sự tinh tế trong thiết kế.
Về mặt chức năng, gỗ có thể được ứng dụng trong mọi loại không gian nội thất (văn phòng, khách sạn, nhà hàng và nhà ở) mà vẫn mang lại sự liên kết trực quan và cảm xúc với thiên nhiên. Thông thường, các kiến trúc sư kết hợp đồ nội thất bằng gỗ với cây xanh và nhiều ánh sáng tự nhiên ban ngày để tạo ra một bảng màu phong phú, giúp thúc đẩy cảm giác giao hòa với thiên nhiên và mang lại niềm hạnh phúc, an nhiên cho con người.
-
Công trình bằng tre độc đáo tại công viên nghĩa trang sinh thái ở Huế
CafeLand - Công trình độc đáo này có diện tích 500m2 thuộc thôn An Hòa, phường Hương An, Huế.