11/08/2014 4:14 PM
Cây xanh là một yếu tố rất quan trọng trong việc xem xét thế đất, bố trí, thiết kế nhà cửa theo phong thủy. Nó giúp việc ngăn dữ đón lành, điều hòa sinh khí, đem lại tài lộc, che chở cho gia chủ. Tuy vậy, không phải bất cứ cây gì và trồng ở chỗ nào cũng đều tốt cả.

Trồng cây hòe trước nhà sẽ đem lại cho gia chủ sự may mắn trên đường quan lộc, giàu sang vinh hiển - Ảnh minh họa.

Một giống cây tốt nhưng nếu trồng sai vị trí nó có thể mang tai họa cho gia chủ.

Sách “Sưu thần ký” chép rằng có một người tên là Bào Viên vốn nhà nghèo khổ, ốm lên ốm xuống bèn mời thầy về bói quát. Sau khi gieo quẻ, thầy phán rằng ngôi nhà của Bào Viên có vấn đề, phía Đông Bắc. Nó cây dâu lớn, phải chặt cây dâu này đi mới khỏi được bệnh.

Từ xưa đến nay dân gian vẫn lưu truyền quan niệm kiêng trồng dâu trước cửa nhà. Thực ra, dâu là cây hữu ích, từ lâu đã gắn bó với con người. Từ thời xa xưa, người ta đã biết trồng dâu nuôi tằm lấy tơ dệt lụa. Ngay cả trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, lụa tơ tằm vẫn là một chất liệu giá trị trong lĩnh vực may mặc. Vậy tại sao người ta lại kiêng trồng dâu trước cửa? Có lẽ mấu chốt vấn đề ở chỗ, trong tiếng Hán, cây dâu đọc là “tang” cùng âm với “tang ma” là biểu hiện của chết chóc.

Vì vậy, trồng dâu trước cửa chẳng hóa ra là ngóng tang ma sao? Bởi vì hung thần chủ trì việc chết chóc, tang ma khóc lóc còn gọi là “tang môn thần”.

Còn theo sách “Hán thư” thì ở nước Vệ có bãi dâu ven sông Bộc, trai gái thường tới đó tụ tập hát gợi chuyện không đứng đắn. Vì vậy, người đời còn coi cây dâu là biểu hiện của quan hệ bất chính giữa trai gái.

“Ra tuồng trên bộc trong dâu

Thì con người ấy ai cầu làm chi”

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Vì vậy, cây dâu người ta chỉ có thể trồng sau nhà mà không trồng trước cửa. Ngược lại, đối với cây hòe, phong thủy cho rằng không nên trồng ở sau nhà mà nên trồng ở trước cửa nhà để đem lại phúc lộc dồi dào bởi cây hòe tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt…

Theo sách “Tống sử”, có một người tên là Vương Hựu trồng 3 cây hòe ở trước sân và nguyện rằng có con làm đến chức tam công vì chí đã là như thế. Về sau quả nhiên, người con thứ của Vương Hựu là Vương Đán làm đến chức tam công. Bởi vậy chăng mà người đời sau coi cây hòe là biểu tượng của sự thành đạt, quyền quý.

Đời xưa, ở cửa ngoài của triều đình cũng thường trồng 3 cây hòe lớn tượng trưng cho ba chức quan lớn đầu triều là Tư mã, Tư đồ và Tư không. Bởi vậy, cây hòe gắn liền với quan lộc. Nếu cây hòe sau nhà là vùi dập sự may mắn, thành đạt, gia chủ sẽ không ngóc đầu lên nổi. Ngược lại, nếu cây hòe trước nhà sẽ đem lại cho gia chủ sự may mắn trên đường quan lộc, giàu sang vinh hiển.

Thủy Văn (Báo Xây Dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.