04/11/2019 7:08 AM
CafeLand – Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TPHCM đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động. Chính vì vậy, kiến trúc xanh trong xây nhà luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người, bởi nó không chỉ mang lại môi trường sống trong lành cho gia chủ mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Kiến trúc tối giản

Điển hình nhất trong danh sách này là lối kiến trúc tối giản. Loại kiến trúc này dành cho gia chủ ưa thích lối sống gần gũi với thiên nhiên, nên không ưu tiên thiết kế trang trí nội thất mà đề cao công năng, ánh sáng và thông gió.

Căn nhà có diện tích hơn 90m2 nằm ở khu đô thị mới huyện Nhà Bè, TP.HCM được thiết kế một cách đơn giản nhưng tràn ngập ánh sáng, đầy đủ công năng sử dụng cho thành viên trong gia đình.

Bản vẽ mặt đứng công trình

Kiến trúc xanh

Ngôi nhà độc đáo ở TP.HCM này là một trong chuỗi những ngôi nhà có tên là “Ngôi nhà cây xanh” nhằm giải quyết những vấn đề nóng lên và ô nhiễm không khí ở đô thị Việt Nam.

Không gian tràn ngập màu xanh lá kể cả những lối đi, khiến người ta cảm thấy như đang lạc bước trong một khu rừng. Mái hắt trên tầng cao nhất giúp bổ sung thêm bóng mát cho ngôi nhà.

Kiến trúc linh hoạt

Ngôi nhà nhỏ có tên SMA254 ở Hà Nội được thiết kế trên diện tích chỉ vỏn vẹn 10m2 và hiện đang là nơi làm việc của công ty kiến trúc SMA Studio.

Khó khăn lớn nhất của ngôi nhà này là phần diện tích vô cùng hạn chế 2,5m x 4m. Không những thế, mặt tiền ngôi nhà nhìn ra ngõ 1m, hai bên là nhà hàng xóm đã xây dựng.

Chính vì vậy, việc sử dụng các vật liệu tôn, sắt, thép cho ngôi nhà này là giải pháp tối ưu nhất để tiết kiệm diện tích. Ngoài ra, việc sử dụng những nội thất thông minh có thể đóng mở không gian cũng là giải pháp cho kiểu kiến trúc này.

Kiến trúc công nghiệp

Kiến trúc công nghiệp là thiết kế không gian hỗ trợ quy trình công nghiệp và được xây dựng, cải tạo từ các tòa nhà cũ hoặc bỏ hoang. Việc xây dựng sẽ không làm phá dỡ mô đun chính của tòa nhà.

Nhà hàng này nằm trên khu đất có diện tích 440 m2 nằm ở quận 1, TP.HCM, được cải tạo từ một tòa nhà cũ được xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Là một trong những di sản của TP.HCM và để bảo tồn nó, các kiến trúc sư đã thiết kế tòa nhà phục vụ cho mục đích kinh doanh nhưng không làm mất đi hình thức ban đầu của tòa nhà.

Lấy cảm hứng từ kiến trúc cổ xưa, các kiến trúc sư đã sử dụng những chất liệu mới như gạch, bê tông, thủy tinh có khả năng chống thấm cao để tương thích với hình dạng ban đầu.

Bản vẽ mặt bằng và mặt đứng của công trình

Kiến trúc kỹ thuật số

Chiếc máy in 3D đầu tiên được chế tạo vào năm 1986. Tuy nhiên, một vài năm gần đây thì công nghệ này mới bắt đầu được phổ biến trên thế giới. In 3D trong xây dựng có hai cách hoạt động là in cả một căn nhà thành một khối và in từng bộ phận sau đó lắp ráp.

Việc in nguyên căn nhà kiểu này khá phức tạp về giai đoạn lắp đặt máy in sao cho bao quát được cả ngôi nhà nhưng bù lại ngôi nhà sẽ rất chắc chắn vì là một khối hoàn chỉnh, không cần mối ghép, lại đỡ tốn nhân sự lắp ráp sau này.

Apis Cor, một công ty của Nga chuyên về giải pháp in 3D đã sử dụng các máy in 3D cỡ lớn "xây" một căn nhà ở được rộng 38 mét vuông chỉ trong 24h. Căn nhà 3D này bao gồm các chi tiết tường, khung cửa sổ, cửa đi, sàn, mái nhà và dây điện. Chi phí để xây dựng căn nhà siêu nhanh này mất 10.134 USD.

Hiện tại, Việt Nam chỉ đang áp dụng kỹ thuật số in 3D trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, thời trang, sản xuất, ô tô,… chưa được phổ biến trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng.

Tuy nhiên với tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng như hiện nay, hy vọng công nghệ tương lai này sẽ được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Thảo Uyên
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.