Những loại cây này có khả năng thanh lọc không khí, mang lại tài lộc cho gia chủ thích hợp trưng trong ngày Tết.

Cây quất

Đây là loại cây thường được trang trí vào ngày Tết với cây lá xanh tốt, quả vàng đều, sai quả, thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra. Cây quất còn là biểu tượng của sức khỏe, bình an, trường thọ và sự may mắn trong tình duyên.

Bạn có thể chọn những chậu quất lớn đặt trong phòng khách hoặc những chậu quất mini để bàn chưng trong ngày Tết.

Ngoài mang ý nghĩa bình an, may mắn, sum vầy,cây quất còn giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Quả quất ăn có mùi thơm, vị chua ngọt, vỏ có chất dầu cay thơm. Mùi hương của tinh dầu từ cây quất giúp không khí dễ chịu, xua đuổi muỗi và côn trùng.

Hoa đồng tiền

Đồng tiền là loài hoa nổi bật với sắc màu rực rỡ, từng bông hoa to tròn giống như những đồng tiền mang ý nghĩa tài lộc và may mắn.

Cây cho hoa quanh năm, nhiều gia đình lựa chọn chưng trong ngày Tết giúp gia chủ làm ăn phát đạt, nhiều thành công, giúp hóa giải điềm xấu và mang lại vận may trong năm mới.

Loài hoa này còn có tác dụng thanh lọc không khí, loại bỏ hóa chất trichloroethylene và benzen trong nhiều vật liệu gia dụng từ sơn đến sợi tổng hợp. Cúc đồng tiền cũng giải phóng nhiều oxy hơn so với các loại cây trồng trong nhà thông thường, hữu ích cho những người bị rối loạn nhịp thở.

Cây phát tài

Cây phát tài thường là loại cây mang lại may mắn tài lộc, sung túс trong cuộc sống nên được ưa chuộng trồng ngày Tết.

Theo phong thủy, số lượng cây phát tài, phát lộc được trồng trong một chậu sẽ có ý nghĩa khác nhau. Trồng 2 cây mang ý nghĩa về tình duyên và hôn nhân; trồng 3 cây mang đến 3 loại may mắn: hạnh phúc, trường thọ, sự giàu có; 5 cây mang đến sức khỏe; 8 cây thể hiện sự thịnh vượng, phát tài; 9 cây mang đến sự may mắn.

Bên cạnh đó, cây phát tài phát lộc còn có tác dụng thanh lọc không khí trong gia đình, hấp thụ cacbonic và sản sinh ra oxy. Đặt cây trong nhà sẽ giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, kháng khuẩn hiệu quả.

Hoa cúc

Hoa cúc là một loại hoa đẹp với nhiều màu sắc khác nhau, là loài hoa quý nằm trong tứ quý "tùng, cúc, trúc, mai", tượng trưng cho sự trường thọ, phúc lộc dồi dào. Loại hoa này thường được chưng trong ngày Tết, có thể đặt một chậu cúc trước nhà hoặc một lọ hoa cúc trên bàn thờ gia tiên.

Trong phong thủy, hoa cúc mang biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc cũng như sự hoan hỉ đến nhà. Đặt những chậu hoa cúc lớn ở phòng khách, cúc nhỏ trên bàn hay cắm hoa cúc có thể giúp ổn định phúc khí trong nhà.

Ngoài ra, hoa cúc có thể thanh tẩy các hóa chất có trong keo, sơn, chất tẩy rửa và nhựa, là một thảo dược thanh nhiệt rất tốt. Đặc biệt các chế phẩm từ hoa cúc như trà hoa cúc, hoa cúc khô luôn là một trong những vị thuốc chữa bệnh trong gia đình dân gian Việt.

>> Ý nghĩa hoa cúc ngày Tết

Cây sống đời

Loại cây này được ưa chuộng chưng vào ngày Tết là bởi cây sống đời có sức sống mạnh mẽ, tượng trưng cho sự trường thọ, lời cầu chúc cho các thành viên trong gia đình luôn có sức khỏe dồi dào.

Cây sống đời thường nở hoa dịp Tết Nguyên Đán nên thường được trồng vào trong những chậu nhỏ để làm bình trang trí trong nhà hoặc ban công.

Ngoài ra, cây hoa sống đời còn tượng trưng cho sinh sôi nảy nở, sự đoàn kết và hạnh phúc bởi loại cây này dễ trồng và khá khỏe mạnh, có thể dùng lá già của cây để gieo xuống đất thì thời gian sau sẽ phát triển thành nhiều cây con.

Về công dụng chữa bệnh, theo mẹo dân gian cây sống đời được dùng làm thuốc chữa bỏng, cầm máu, đắp vết thương, đắp mắt đỏ, sưng đau, có tính chất giải độc. Cây sống đời còn được dùng để đắp mụn nhọt, chữa viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi tiểu ra máu.

Ngoài ra, cây sống đời như một loại thuốc kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn rộng, rất tốt cho một số bệnh về đường ruột và rất nhiều bệnh nội, ngoại khoa và các bệnh nhiễm trùng khác, hoàn toàn không có một tác dụng phụ nào.

Cây thường xuân

Với sức sống tốt cộng với xanh quanh năm, cây thường xuân được xem là loại cây có phong thủy tốt, giúp xua đuổi âm khí và mang lại may mắn, bình an cho gia chủ, thích hợp trang trí trong ngày Tết.

Có khả năng lọc không khí rất tốt, có thể gọi là lá phổi của môi trường, cây thường xuân hấp thụ các khí độc hại như aldehyde formic, benzen, khói thuốc lá…

Về công dụng y học, Hội đồng khoa học châu Âu đã công nhận dịch chiết từ lá thường xuân có thể làm dịu cơn ho và làm giảm đau ho. Ngoài ra, thân, lá, hạt nấu uống với rượu ấm có thể dùng để giải ngộ độc. Hạt ngâm rượu để trị bệnh phong huyết, đau lưng.

Ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ, người ta sử dụng cây thường xuân để trị viêm khớp đau nhức, viêm gan, đau đầu, nôn ra máu, mắt mờ, nhọt độc sưng đau và sử dụng lá làm thuốc chườm nóng trị sưng hạch; quả làm thuốc trị thấp khớp.

Trong y học dân gian Ý, lá thường xuân được dùng làm thuốc uống để trị sỏi mật và làm thuốc sắc rửa trị đau dây thần kinh, viêm mô tế bào và đau răng.

Châu An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.