Cầu Nhật Tân
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã thống nhất chủ trương trên tại cuộc họp giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội ngày 6-8.
Theo ông Phạm Hữu Sơn - Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - nút giao Phú Thượng được nghiên cứu trong dự án xây dựng cầu Nhật Tân từ năm 2006 tuân thủ theo quy hoạch chung của thủ đô Hà Nội.
Nút giao được xây dựng làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kết nối với đường đê Hữu Hồng hiện hữu, giai đoạn 2 kết nối với đường trục Đông Ngạc - Yên Phụ là đường trục chính theo quy hoạch.
Giai đoạn 1 nút giao có dạng bán hoa thị kết nối đường đê Hữu Hồng, được tổ chức đèn tín hiệu gồm 3 pha đèn tại mỗi điểm ngã ba giao cắt với đường đê. Một đảo tròn để nối với nhánh đi Đông Ngạc hình thành trước.
Nút giao được tính toán trong điều kiện hình thành cùng với tuyến Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy để phân phối lưu lượng giao thông và kết quả nghiên cứu nút có thể khai thác tới 2020.
Tuy nhiên, nguy cơ ùn tắc giao thông tại nút giao này có thể xảy ra khi tuyến đường Đông Ngạc - Yên Phụ chưa được xây dựng. Vì vậy, TEDI đề xuất phương án làm cầu vượt bằng thép đặt trên móng cọc khoan nhồi như cầu vượt bằng thép ở nút giao Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh (cạnh khách sạn Daewoo) rộng 7,5m, chạy trên sườn đê phía trong.
Bên cạnh đó là phương án làm hầm dự kiến rộng 8,5 - 9,5m bằng bê tông cốt thép, kết cấu vĩnh cửu. Nếu làm cầu thì mức đầu tư dự kiến 250 tỉ đồng, nếu làm hầm 291 tỉ đồng, thời gian hoàn thành tháng 2-2015.
Trên cơ sở các phương án trên, Bộ GTVT đã thống nhất cùng Hà Nội xây cầu vượt trên đê Hữu Hồng để kết nối giao thông và bổ sung 2 hầm chui dân sinh có khả năng cho ô tô đi 1 chiều.