Tại báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng thế giới, do một mình Mỹ không thể thúc đẩy tốc độ phục hồi toàn cầu.

Theo đó, tăng trưởng toàn cầu năm nay và năm tới được dự báo còn 3% và 3,3%. Số liệu này thấp hơn so với báo cáo tháng 6 năm ngoái, là 3,4% và 3,5%. "Kinh tế thế giới đang chạy với một động cơ là Mỹ. Việc này không khiến triển vọng sáng sủa lên chút nào", kinh tế trưởng Kaushik Basu tại WB cảnh báo.

Tuy nhiên, WB cũng cho biết giá dầu thấp sẽ có lợi cho một số nước. "Giá dầu càng thấp (và được dự báo đến hết năm 2015), lạm phát toàn cầu càng giảm và có thể trì hoãn tăng thuế tại các nước giàu", ông Basu cho biết. Việc này sẽ tạo cơ hội cho các nước nhập khẩu nhiên liệu, như Trung Quốc và Ấn Độ. WB dự đoán tăng trưởng của Ấn Độ sẽ lên 7% năm 2016.

Giá dầu đang gây ra nhiều ảnh hưởng trái chiều với các nền kinh tế trên thế giới. Ảnh: BBC

Trái lại, giá dầu giảm sẽ khiến các nước xuất khẩu, như Nga, gặp bất lợi. Kinh tế Nga được dự báo co lại 2,9% năm nay và chỉ tăng trưởng 0,1% năm tới.

Trong khi đó, WB nhận xét hoạt động kinh tế tại Mỹ và Anh đang "vào đà" do lãi suất thấp. Nhưng "di chứng từ khủng hoảng tài chính" vẫn đang khiến khu vực eurozone và Nhật Bản bất ổn.

WB cảnh báo lạm phát thấp sẽ còn kéo dài tại khu vực đồng euro, dự báo khối này tăng trưởng 1,1% năm nay và 1,6% giai đoạn 2016-2017. Tại Nhật Bản, tăng trưởng có thể lên 1,2% năm nay và 1,6% năm tới.

Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương được nhận xét sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm hơn, nhưng ổn định. GDP toàn khu vực đã giảm xuống còn 6,9% năm ngoái do các chính sách thắt chặt và căng thẳng chính trị trong khu vực.

Tại Việt Nam, GDP năm nay được dự báo bằng năm ngoái, tại 5,6%. Trong 2 năm sau đó, tốc độ này sẽ dần cải thiện lên 5,8% và 6%.

Tăng trưởng tại Việt Nam được nhận xét hưởng lợi từ cải cách chính trị và kinh tế. Dù vậy, WB cho rằng tuy Việt Nam đã củng cố được ổn định vĩ mô, bảng cân đối kế toán trong lĩnh vực ngân hàng vẫn cần được cải thiện để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng. Cải cách về quy định quản lý cũng là điều cần thiết để tạo sân chơi cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là công ty nội, bên cạnh doanh nghiệp nhà nước.

Hà Thu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.