17/12/2014 8:55 PM
Tờ Washington Post ngày 16/12 đưa ra nhận định Liên bang Nga có thể phải cầu viện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giải cứu nền kinh tế do ảnh hưởng của tỷ giá đồng ruble cũng như sự lao dốc của giá dầu thế giới.

Người dân Nga đã đổ xô tới các cửa hàng điện tử ở Moskva mua sắm do lo ngại các mặt hàng này tăng giá do đồng ruble giảm giá. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trước đó, Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 10,5 lên mức 17% sau một cuộc họp khẩn cấp vào lúc 1 giờ sáng để ngăn không cho đồng ruble tụt giá thêm (hiện đồng tiền này đã tụt mất 50% giá trị so với đồng USD).

Đây được xem là nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu đồng tiền Nga và cái giá phải trả là hy sinh nền kinh tế Nga. Vì thế nếu người Nga có cứu được đồng ruble, tình hình sẽ vẫn rất tồi tệ.

Theo tờ Washington Post, đây là một dạng khủng hoảng kinh điển của các thị trường đang lên. Sẽ đơn giản hơn nếu nói rằng Nga không còn là nền kinh tế như trước đây, khi hoạt động xuất khẩu dầu khí của nước này đã trợ giá gần như mọi hoạt động khác.

Đó là lý do vì sao sự kết hợp giữa việc Mỹ tăng nguồn cung (dầu khí) và châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc giảm nhu cầu tiêu thụ đã khiến Nga chịu ảnh hưởng nặng nề.

Dầu rẻ đi có nghĩa các công ty Nga thu được ít USD hơn. Nói một cách khác, nhu cầu sử dụng đồng ruble đã giảm đi nên giá trị của đồng tiền này tụt xuống.

Hiển nhiên tình hình càng tồi tệ hơn khi lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây nhằm vào Nga theo sau cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến nước này thiếu hụt đồng USD.

Các tác động này khiến đồng ruble tụt mất 22% giá trị so với đồng USD trong vòng tháng qua, với 11% giá trị đã mất chỉ riêng trong ngày thứ Hai.

Các thống kê cho thấy đồng ruble của Nga đã tụt giá mạnh hơn đồng hryvnia của Ukraine trong năm nay. Thứ tài sản duy nhất tụt giá mạnh hơn đồng ruble là Bitcoin, một dạng tiền ảo mà tương lai của nó vẫn là dấu chấm hỏi lớn.

Và tình hình sẽ chỉ tệ đi. Nga hiện đang mắc kẹt trong một tình thế khó khăn. Nền kinh tế nước này cần tỷ lệ lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên các công ty lại cần tỷ lệ lãi suất cao để nâng giá đồng ruble và khiến các đồng đôla mà họ đã vay để làm ăn không có giá trị quá lớn.

Trên phương diện kỹ thuật, người Nga đã lâm vào tình thế khó có thể hóa giải. Nếu họ giữ tỷ lệ lãi suất thấp, đồng ruble sẽ đi tới chỗ sụp đổ. Lạm phát sẽ tăng lên và các tập đoàn lớn sẽ vỡ nợ. Tuy nhiên ít nhất, tăng trưởng kinh tế Nga sẽ không bị giảm đi nhiều.

Nhưng thay vì chọn con đường đó, người Nga lại sử dụng liệu pháp gây sốc khi tăng tỷ lệ lãi suất từ 10,5 lên 17%. Lãi suất cao như vậy sẽ khiến nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái nặng.

Ngân hàng trung ương nước này ước tính rằng nền kinh tế trong nước phải đạt mốc tăng trưởng từ 4,5-4,7% nếu dầu tiếp tục duy trì ở ngưỡng 60 USD/thùng. Tuy nhiên đổi lại nguy cơ suy thoái kinh tế, Nga có thể chặn đứng đà rơi của đồng ruble.

Chính vì vậy, theo tờ Washington Post, nếu không thể ngăn được tốc độ giảm giá của đồng ruble, Nga sẽ phải sử dụng các biện pháp kiểm soát tài chính đặc biệt và thậm chí phải nhờ IMF bơm tiền giải cứu./.

Linh Vũ (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.