Hè nhau móc túi ngân hàng
Dù bãi cạp cát đã bị thu hồi làm khu công nghiệp, UBND huyện Cần Đước phê duyệt giá đền bù hỗ trợ 1,028 tỷ đồng, nhưng Giám đốc Phòng Giao dịch Rạch Ông - Agribank chi nhánh TPHCM Phạm Xuân Hùng “thống nhất” định giá hơn 52,2 tỷ đồng, rồi vung tay ký duyệt cho Thăng Long vay 26 tỷ đồng. Đến nay cả vốn lẫn lãi hơn 35 tỷ đồng, con nợ mất khả năng chi trả...
Như loạt bài điều tra đăng trên Báo CATP cuối năm 2012 đầu 2013, Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng - Thương mại Thăng Long (trụ sở đặt tại Nguyễn Kiệm, P9Q. Phú Nhuận, TPHCM) do ông Đinh Tuấn Kiệt làm giám đốc, được UBND tỉnh Long An giao 6.071,9m2 đất tại ấp 6, xã Phước Đông, huyện Cần Đước từ năm 2003 để làm bãi cạp cát, kinh doanh vật liệu xây dựng. Ngày 15-10-2007 UBND tỉnh Long An ban hành quyết định thu hồi 1.433.712m2 đất tại xã Phước Đông để giao cho Công ty cổ phần IMG Phước Đông đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) cầu cảng Phước Đông, theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong số 6.071,9m2 bãi cạp cát có 5.471,6m2 bị thu hồi cho dự án KCN.
Ngày 7-11-2007, UBND huyện Cần Đước ban hành quyết định 3833/QĐ-UBND chi bồi thường hỗ trợ cho DNTN Thăng Long 1,028 tỷ đồng (số tròn). Do Thăng Long không chấp nhận nên số tiền trên được gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) huyện Cần Đước từ ngày 25-12-2007.
Khu đất làm bãi cát đã bị thu hồi để triển khai dự án KCN Phước Đông, nhưng ngày 30-11-2007 Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến và tư vấn đầu tư (XT-TVĐT) tỉnh Long An Đặng Văn Tuyến ký văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị “chấp thuận để DNTN Thăng Long tiếp tục hoạt động ở lại vị trí cũ”. Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An Đỗ Hoàng Việt (đã chuyển công tác) ký công văn 6464/UBND-KT ngày 14-12-2007 chấp thuận đề xuất của Phó giám đốc Tuyến. Ngày 10-1-2008, Phó giám đốc Trung tâm XT-TVĐT tỉnh Long An Nguyễn Hữu Tuấn (đã chuyển công tác) ký văn bản buộc Công ty IMG Phước Đông trong 30 ngày phải hoàn tất việc thỏa thuận với DNTN Thăng Long, nếu quá thời hạn nêu trên xem như chấp thuận việc giữ nguyên vị trí cho Thăng Long. Bao nhiêu rắc rối phát sinh từ những văn bản bất thường này.
Trước khi bị thu hồi, DNTN Thăng Long đã mang khu đất làm bãi cạp cát thế chấp tại Agribank chi nhánh TPHCM - Phòng Giao dịch Rạch Ông (số 360 Phạm Hùng, P5Q8, TPHCM) vào tháng 2-2006. Thời điểm này, khu đất được định giá là 5,28 tỷ đồng. Sau khi xác định nằm trong quy hoạch dự án KCN Phước Đông, khu đất được định giá là 9,29 tỷ đồng (tháng 4-2007). Với hai văn bản của Trung tâm XT-TVĐT và công văn 6464/UBND-KT được ban hành, khu đất lại “nhảy” lên 12,3 tỷ đồng (tháng 5-2008).
Đến cuối tháng 5-2010, bãi cạp cát đã biến thành khu đất “vàng” được DNTN Thăng Long thế chấp vay số tiền khủng. Biên bản lập ngày 20-12-2010 thể hiện rõ: bên vay là DNTN Thăng Long do ông Đinh Tấn Kiệt có vợ là Bùi Mộng Tuyền và bên cho vay là Agribank chi nhánh TPHCM - Phòng Giao dịch Rạch Ông do Giám đốc Phạm Xuân Hùng và cán bộ tín dụng Hồ Ngọc Minh làm đại diện, cùng “thống nhất” xác định tài sản đảm bảo nợ vay là bãi cạp cát 6.071,9m2 có giá trị hơn 52,21 tỷ đồng (8,6 triệu đồng/m2). Cùng ngày 20-12-2010, Giám đốc Phạm Xuân Hùng ký hợp đồng tín dụng số 1700-LAV-201002328/ HĐTD duyệt cho DNTN Thăng Long vay 19 tỷ đồng để “bổ sung vốn lưu động mua vật tư, vật liệu xây dựng, và chi phí thi công các công trình xây dựng”. Thời hạn vay là 12 tháng với lãi suất 17%/năm.
Chưa tới hai tháng sau, Giám đốc Hùng ký tiếp hợp đồng tín dụng 1700-LAV-201100245/HĐTD ngày 9-2-2011, duyệt cho DNTN Thăng Long vay thêm 7 tỷ đồng, tài sản đảm bảo tiền vay cũng là bãi cạp cát 6.071,9m2!
Lộ rõ hành vi cố ý làm trái
Thật khó tin, chỉ 6.071,9m2 đất vùng sâu vùng xa thuộc xã nghèo Phước Đông, huyện Cần Đước đã bị thu hồi làm KCN nhưng Giám đốc Phạm Xuân Hùng chấp nhận cho DNTN Thăng Long làm tài sản thế chấp rồi mạnh tay ký duyệt cho vay đến hai lần, móc hầu bao 26 tỷ đồng của Agribank. Đến nay, cả vốn lẫn lãi đã hơn 35 tỷ đồng, con nợ mất khả năng chi trả.
Quyết định 3833/QĐ-UBND UBND huyện Cần Đước xác định khu đất của Thăng Long là đất xây dựng, với đơn giá bồi thường 108.000 đồng/m2. Qua tay giám đốc Hùng cùng một số cán bộ địa phương và công chứng viên Nguyễn Thị Hường, giá đất nhảy vọt lên 8,6 triệu đồng/m2, cao gấp hơn 79 lần giá bồi thường! Khu đất thuộc diện quy hoạch, giải tỏa. Giám đốc Hùng duyệt cho vay là trái quy định pháp luật; thẩm định giá trên trời càng thể hiện rõ hành vi lợi dụng chức quyền cố ý làm trái quy định pháp luật. Cần biết thêm, đất tại các KCN trên địa bàn tỉnh Long An sau khi đã đầu tư đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, cấp thoát nước, giao thông, xử lý nước thải...) chủ đầu tư bán ra từ 55 - 60 USD/m2/50 năm (1,2 triệu đồng/m2). Trong khi đó bãi cạp cát của Thăng Long là đất thuê của nhà nước (thời hạn chỉ còn hơn 40 năm) nhưng lại biến thành đất “vàng”.
Qua điều tra, DNTN Thăng Long đã chi khoảng 6 tỷ đồng để làm bãi cạp cát, trong đó có 1,821 tỷ đồng là tiền mua 6.071,9m2 đất (theo giá thị trường), 670 triệu đồng san lấp... Điều này cho thấy 52,21 tỷ đồng là con số khống, hoàn toàn không có cơ sở.
Không chỉ gây thiệt hại cho nhà nước số tiền khủng, việc nâng khống giá đất đã xâm hại nghiêm trọng đến chủ đầu tư dự án KCN. Chính vì thế nên Tổng giám đốc Công ty cổ phần IMG Phước Đông Chu Đình Khiêm đã có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ hành vi của Giám đốc Phạm Xuân Hùng cùng những đơn vị cá nhân liên quan, đồng thời xem xét trách nhiệm của Giám đốc Agribank chi nhánh TPHCM Nguyễn Xuân Cảnh trong việc ký bản số 598/NHNo-TPHCM-KTKS ngày 8-8-2012 bênh vực cho thuộc cấp.
Sau khi Báo CATP đăng loạt bài điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã vào cuộc, quyết lôi vụ việc ra ánh sáng, xử lý nghiêm theo pháp luật những cá nhân vi phạm. Được biết, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Long An, UBND huyện Cần Đước đang hoàn tất hồ sơ tài liệu liên quan đến khu đất 6.071,9m2 (cụ thể như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng; thu hồi và bồi thường hỗ trợ; giải quyết khiếu nại tranh chấp; việc DNTN Thăng Long đăng ký thế chấp, giải chấp...) để cung cấp theo yêu cầu của cơ quan CSĐT.