Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm 2018, trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 202,03 tỷ USD, tăng 15,2%, tương ứng tăng 26,67 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, 7 nhóm hàng tăng trưởng mạnh là điện thoại các loại và linh kiện tăng 4,65 tỷ USD, hàng dệt may tăng 3,68 tỷ USD; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 3,33 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 3,12 tỷ USD, sắt thép các loại tăng 1,33 tỷ USD, máy ảnh máy quay phim và linh kiện tăng 1,34 tỷ USD, giày dép các loại tăng 1,28 tỷ USD.
Về trị giá nhập khẩu hàng hóa trong 10 tháng qua cả nước đạt 194,82 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm trước. Các mặt hàng tăng chủ yếu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,13 tỷ USD, kim loại thường tăng 1,44 tỷ USD, vải các loại tăng 1,3 tỷ USD, chất dẻo nguyên liệu tăng 1,25 tỷ USD…so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, trong 10 tháng đầu năm nay, con số xuất siêu rất ấn tượng với 7,2 tỷ USD, dự báo mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2018.
Kim ngạch, tốc độ tăng xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại trong 10 tháng, giai đoạn 2011-2018. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Các số liệu thống kê cho thấy, trong những năm trở lại đây, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Mức thâm hụt thương mại đã giảm dần qua các năm và chuyển sang trạng thái thặng dư trong những năm gần đây.
Từ năm 2008 thâm hụt thương mại cả nước ở mức cao nhất là 18,03 tỷ USD, tương đương với 28,8% trị giá xuất khẩu hàng hóa cả nước. Trong những năm 2009, 2010, mức nhập siêu đã giảm dần nhưng vẫn ở mức cao (gần 13 tỷ USD). Đến năm 2012 cán cân thương mại mới chuyển sang trạng thái thặng dư nhẹ.
Trong 05 năm từ 2013-2017, cán cân thương mại chỉ thâm hụt vào năm 2015, còn lại đều ở trạng thái thặng dư.
Có thể nói, thặng dư thương mại cả nước có sự đóng góp lớn của khu vực các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, từ năm 2012, xuất khẩu của khối FDI đã luôn ở trạng thái thặng dư cao trong khi khu vực các doanh nghiệp có vốn hoàn toàn trong nước liên tục nhập siêu. Trong 10 tháng/2018, xuất siêu của khu vực các doanh nghiệp FDI lên đến 25,8 tỷ USD (xuất khẩu 142,80 tỷ USD, nhập khẩu 116,99 tỷ USD).
Xét theo thị trường trường, Việt Nam chủ yếu xuất siêu sang thị trường các nước châu Mỹ, châu Âu trong khi thâm hụt lớn trong thương mại hàng hóa với các nước châu Á. Trong 10 tháng/2018, Việt Nam xuất siêu sang Hoa Kỳ là 28,77 tỷ USD (xuất khẩu đạt 39,42 tỷ USD, nhập khẩu đạt 10,65 tỷ USD). Trước đó, năm 2017 mức xuất siêu sang thị trường này cũng lên tới 32,24 tỷ USD.