25/03/2013 7:43 AM
Trong lúc dự án bỏ hoang lọt vào danh sách báo động thu hồi ngày càng nhiều, thì một vài dự án nhà ở thương mại có giá chấp nhận được lập tức tái phát ngay căn bệnh làm giá, tung sốt ảo.

Hiện nay, quá nhiều các dự án bất động sản bỏ hoang, thậm chí nhiều chủ đầu tư còn làm “chiêu trò” lách để gia hạn. Để hạn chế tình trạng này phải đánh thuế thật nặng những chủ đầu tư có dự án đó. Nếu chủ đầu tư chây ì không thực hiện chúng ta có chế tài xử lý hành chính, thậm chí xử lý hình sự… phạt án tù.

Đó là ý kiến của ông Đặng Hùng Võ – Nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường khi trao đổi với PV Infonet về việc các dự án bỏ hoang ngày càng nhiều trong lúc một vài dự án nhà ở thương mại giá chấp nhận được giở chiêu trò sốt ảo.

Theo ông Đặng Hùng Võ, phần lớn các dự án, nhà cửa biệt thự bỏ hoang… là tài sản của một nhóm người nào đó, hoặc giới đầu cơ, mua đi bán lại, không ở, khi bất động sản đóng băng, mua bán được thì bỏ không.

Nếu chúng ta xác định được chủ đất, chủ căn biệt thự bỏ hoang, ta cứ đánh thuế thật nặng… Nếu chủ đầu tư, chủ biệt thự không thực hiện, có thể áp dụng chế tài xử lý hình sự, phạt án tù… Như vậy, sẽ hạn chế được những dự án bỏ hoang và nhà nước có nguồn thu thuế từ bất động sản, từ dự án bỏ hoang.

Tuy nhiên, nếu đưa ra chủ trương đánh thuế thật nặng rồi đến chế tài xử lý hình sự, phạt tù chủ đầu tư như vậy có ngược với chủ trương cứu thị trường hiện nay?

Ông Võ lý giải, bất động sản thời gian qua là của một nhóm người nào đó. Nhóm người này “ôm” quá nhiều đất, quá nhiều nhà giờ thị trường “đóng băng” người ta mới để hoang hóa.

Vì vậy, không thể đánh đồng việc đánh thuế nặng đối với các dự án, nhà đất bỏ hoang với việc cứu thị trường. Chúng ta có thể tách 2 vấn đề này ra, việc chủ trương cho người dân vay tiền lãi suất thấp để mua nhà thu nhập thấp, và các DN bất động sản, các dự án đang triển khai nhà ở giá rẻ thì không thuộc diện đánh thuế cao.

Theo ông Võ nên đưa ra án tù đối với chủ đầu tư có dự án bỏ hoang, không đóng thuế

Liên quan đến tình trạng kiện cáo liên quan đến giải phóng mặt bằng thu hồi đất tại các dự án bất động sản hiện nay, Nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT lấy ví dụ ở Trung Quốc đất nông nghiệp thuộc quyền sở hữu của hợp tác xã, vì vậy, họ khác mình là HTX đang tồn tại. Khi có dự án chính quyền Trung Quốc chỉ lấy của mỗi HTX một phần, chẳng hạn HTX này có 150ha đất, chính quyền chỉ lấy 50ha, còn 100ha vẫn dành cho nông dân sản xuất nông nghiệp, vì vậy, nông dân không ai bị mất hết đất, như vậy sẽ không xảy ra kiện cáo.

Còn ở Việt Nam thì khác, HTX không quản lý đất đai, mà giao hết cho các hộ dân, nếu đã "dính" quy hoạch dự án thì nông dân sẽ mất hết đất sản xuất, chuyển đổi nghề thì khó, gây ra hệ lụy tệ nạn xã hội, trong khi đất thu hồi lại nhanh chóng tăng giá vùn vụt, gây nên kiện cáo kéo dài…

Ông Võ nêu quan điểm, để xảy ra kiện cáo kéo dài thời gian qua là do chính sách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng các dự án không công bằng. Theo ông Võ, trước khi quy hoạch dự án, DN và chính quyền địa phương phải họp bàn với người dân có đất nằm trong quy hoạch dự án.

DN công bố thông tin sẽ làm gì, làm như thế nào, khi nào hoàn thành, chính sách đền bù, hỗ trợ… ra sao để người dân biết. Sau này DN nếu sử dụng đất thu hồi sai mục đích hay bỏ hoang... thì sớm có biện pháp xử lý.

"Biện pháp khả thi là đánh thuế thật nặng đi đôi với biện pháp thu hồi dự án bỏ hoang và xử lý hình sự những chủ đầu tư nào dây dưa không thực hiện nghĩa vụ với nhà nước", ông Đặng Hùng Võ nói.

Bên cạnh đó, căn bệnh khó chữa của BĐS là sốt ảo cũng vừa tái phát tạ một vài dự án có người quan tâm.

Tại dự án chung cư Kim Văn-Kim Lũ do công ty xây dựng tư nhân Lai Châu mở bán, hầu hết người dân khi hỏi sàn phân phối chính thức đều chỉ nhận được cái lắc đầu "hết hàng". Song cò" lại bủa vây vòng trong vòng ngoài sàn giao dịch để chào mời khách mua suất ngoại giao" với chênh lệch cao hơn giá gốc gần trăm triệu đồng.

Khi “cò” mua được sàn căn hộ trên giấy này chỉ đặt cọc chút ít rồi lấy danh nghĩa là suất ngoại giao, hay có người nhờ bán để tư vấn cho khách hàng từng căn theo kiểu “nhỏ giọt”. Đồng thời, các cò còn tung “đủ chiêu” tại sàn Mường Thanh tạo ra cơn sốt ảo để “lừa” khách hàng nhanh chóng “xuống tiền” mua nhà trên giấy không kẻo hết…

Một cò” tại sàn Mường Thanh chia sẻ với PV, bản chất là cò bỏ tiền túi ra đặt cọc rồi bán giúp chủ đầu tư ăn chênh lệch, còn nếu ế hàng thì trả lại chủ đầu tư số căn hộ trên giấy đó, và chấp nhận mất chút cọc. Lúc đó chủ đầu tư muốn bán cho ai thì bán…

Một số khách hàng nghi ngờ việc mua bán nhà trên giấy đi tìm công trường để kiểm tra

Một số người am hiểu bất động sản nhận định, "nhiều khách hàng vẫn chưa thể bỏ được cơ chế chạy theo tâm lý “đám đông”, cứ sợ hết nhà nếu không mua nhanh. Về bản chất có mấy giao dịch thành công, và có bán được không mới là vấn đề? Cứ chờ đợi khoảng nửa tháng sau thì biết số “cò” lướt sóng không chịu được “nhiệt” sẽ nhả ra cả trăm căn hộ cho chủ đầu tư, lúc đó ai có nhu cầu mua giá gốc thì dễ dàng đăng ký, thậm chí chủ đầu tư còn mời chào đến mua vội ấy chứ!".

Căn bệnh BĐS bỏ hoang vì ế ẩm, và ngay lập tức tái phát nạn cò làm giá, tung sốt ảo ở một vài dự án có ít nhiều người quan tâm, thể hiện chất lượng méo mó của thị trường BĐS với những chủ đầu tư làm ăn chụp giật, và điều này sẽ chỉ thực sự được làm sạch bằng chính sách công bằng và nghiêm khắc.

Nguyễn Hiếu (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.