Thanh tra Thành phố cũng kiến nghị: “Việc sử dụng đất của tổ chức và các hộ gia đình trong khuôn viên đất của Trường ĐH BK diễn ra từ trước năm 1993, các hộ đã sử dụng ổn định trong thời gian dài. Do đó để việc xử lý thống nhất, đồng bộ, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, đảm bảo đời sống của người dân”. |
Năm 1976, TP. Hà Nội có QĐ số 200/QĐ-HN giao cho Trường ĐHBK 35 ha để xây dựng trường. Qua 2 lần thành phố thu hồi một phần diện tích để cấp cho Trường ĐH Xây dựng (8 ha), PTTH Lê Văn Tám (2.330 m2), đến năm 2008 Trường ĐHBK còn quản lý khoảng 25,652 ha (theo Bản vẽ chỉ giới đường đỏ liên quan đến khu đất do Trường ĐHBK quản lý sử dụng do Viện Quy hoạch xây dựng HN lập và đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận ngày 7.3.2008).
Theo khẳng định của chính Trường ĐHBK thì trường đang quản lý 25,570 ha đất. Quy hoạch chi tiết quận Hai Bà Trưng (tỷ lệ 1/2000) đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại QĐ số 16/2000/QĐ-UB ngày 14.2.2000 thì “các khu đất trên nằm trong ranh giới đất nhà trường đang quản lý sử dụng và được xác định với chức năng là đất cơ quan, trường đào tạo”.
Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận là sau 47 năm “xây dựng và phát triển” Trường ĐHBK đã tự phân hàng chục nghìn mét vuông đất cho CBCNV, giảng viên xây nhà và cũng để người dân khai khẩn hàng nghìn mét vuông đất hoang hóa xây dựng nhà ở. Đến nay, đã hình thành một phường với hàng chục nghìn nhân khẩu, căn cứ vào Luật Đất đai 2003 thì phần lớn các hộ dân trong “khuôn viên” Trường ĐHBK đều đủ điều kiện được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp.
Đất “vàng” nên mới đòi
Trở lại vụ Trường ĐHBK đòi đất của hộ ông Trịnh Văn Tiến và các hộ dân với lý do nằm trong “khuôn viên” nhà trường. (Báo LĐ đã đăng tải: “5 hộ dân phường Bách Khoa bị đẩy ra đường?” số 299/2012 và “Cả trăm hộ dân có nguy cơ mất nhà!” số 303/2012). Vụ việc đã được Thanh tra TP.Hà Nội kết luận (số 2557/KL-TTTP-P3 ngày 1.11.2011).
Theo Kết luận của Thanh tra Thành phố, Trung tâm Hỗ trợ phát triển KHKT Trường ĐHBK đã “xác nhận diện tích đất cho ông Tiến xây dựng nhà ở không thuộc khuôn viên đất của Trường ĐHBK đang quản lý sử dụng. Thực tế hộ gia đình ông Tiến san lấp ao, xây nhà ở từ năm 1992… đến năm 2000 Trường ĐHBK lấy đất tại vị trí nhà xưởng (giáp với đất của ông Tiến – PV) để xây dựng nhà học cao tầng cũng không có ý kiến gì về nhà, đất của ông Tiến đang sử dụng.
Năm 2001 khi thành phố có chủ trương cống hóa sông Sét thì năm 2002 Trường ĐHBK mới có ý kiến đề nghị không hợp thức hóa khu đất cho các hộ. Sau khi mở đường Trần Đại Nghĩa, năm 2007 Trường ĐHBK mới có văn bản đề nghị chính quyền địa phương can thiệp để thu hồi đất”. Thanh tra Thành phố cũng kiến nghị: “Việc sử dụng đất của tổ chức và các hộ gia đình trong khuôn viên đất của Trường ĐH BK diễn ra từ trước năm 1993, các hộ đã sử dụng ổn định trong thời gian dài. Do đó để việc xử lý thống nhất, đồng bộ, đảm bảo an ninh trật tự địa phương, đảm bảo đời sống của người dân”.
Theo QĐ năm 1976 giao đất cho Trường ĐH Bách Khoa HN, thì những ngôi nhà lầu tư này (ngõ 40 phố Tạ Quang Bửu, phường Bách Khoa) đều đã được xây dựng trên đất “phát triển giáo dục”!
Chỉ với Kết luận này của Thanh tra TP. Hà Nội cũng thấy được bản chất của vụ việc! Điều kỳ quặc hơn, đối với những sai phạm về quản lý đất đai đã được cơ quan chức năng kết luận, thì không thấy nhà trường “nhiệt tình” xử lý (chẳng hạn ở ô đất số 7, Sở TN&MT HN đã yêu cầu: Trường ĐH BK có trách nhiệm chấm dứt việc cho thuê, liên kết giữa nhà trường và 03 công ty), trong khi đó, nhà trường lại tích cực đòi đất ở hợp pháp của người dân để cấp cho Cty CP đầu tư phát triển đô thị đại học – Trường ĐH BK HN(?!).
Việc Trường ĐHBK vin vào QĐ giao đất từ năm 1976 để đòi đất, rõ ràng là một hành động không tôn trọng Luật Đất đai 2003, có nguy cơ gây ra những nhiễu động, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở phường Bách Khoa.
Đỗ Văn