Ngày 8/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ Ethanol Phú Thọ. Đây là dự án được đầu tư với tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Tuy nhiên, các bị cáo đã phối hợp để chỉ định nhà thầu là Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực thực hiện dự án. Dẫn đến dự án bị ngừng thi công từ năm 2013, không thể đi vào hoạt động. Các bị cáo được xác định gây thiệt hại 543 tỷ đồng.
Tại phần kiểm tra căn cước và lý lịch, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (SN 1966, nguyên chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) đưa ra thắc mắc: Đây là phiên tòa công khai, tại sao không thấy người nhà tham dự và cũng không thấy báo chí đâu.
Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa ngày 8/3. (Ảnh: Tấn Anh)
Về ý kiến này, HĐXX cho biết, phiên tòa diễn ra trong tình hình dịch Covid-19 nên không thể triệu tập đông người, Tòa chỉ triệu tập những người tham gia tố tụng. Tòa cũng đã triệu tập ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ bị cáo Thanh) tới tham dự. Nhưng ông Giới không đến mà ủy quyền cho anh Trịnh Hùng Cường (con bị cáo Thanh).
Cũng theo HĐXX, công tác báo chí đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Theo đó, các phóng viên đưa tin được bố trí một phòng riêng để theo dõi phiên xử.
TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xét xử vụ Ethanol Phú Thọ. Ảnh: Tấn Anh.
Dự án Ethanol Phú Thọ được thực hiện trong thời gian dài, đầu tư lớn nhưng đến nay không thu được bất kì hiệu quả nào. Dự án đã ngừng thi công và đang trong tình trạng "đắp chiếu". Trong những vấn đề nguồn tiền, một chi tiết được đại diện Viện kiểm sát nêu ra tại tòa là Trịnh Xuân Thanh đã sử dụng tiền tạm ứng của dự án để mua 3.400 m2 đất Tam Đảo (Vĩnh Phúc) trái quy định của pháp luật.
Được đầu tư trong thời gian dài với số tiền lớn, hiện dự án Ethanol Phú Thọ đã dừng thi công, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. (Ảnh: Gia Khánh)
Tại phần trình bày cáo trạng, đại diện VKSND nêu rõ: "Bị can Trịnh Xuân Thanh đã bàn bạc với bị can Đỗ Văn Hồng (nguyên chủ tịch PVC Kinh Bắc) về việc mua 3.400 m2 đất Tam Đảo (Vĩnh Phúc) bằng tiền tạm ứng cho dự án, số tiền là 25 tỷ đồng".
Hành vi này gây thiệt hại cho PVC hơn 13 tỷ đồng. Để hợp thức hóa, năm 2014 bị can Trịnh Xuân Thanh thành lập công ty Mai Phương, yêu cầu Đỗ Văn Hồng chuyển nhượng khu đất trên cho công ty Mai Phương với giá hơn 20 tỷ đồng, để bố đẻ là ông Trịnh Xuân Giới đứng tên. VKSND xác định Trịnh Xuân Thanh đã hưởng lợi 3 tỷ đồng trong vụ việc này.
-
Phi vụ thâu tóm biệt thự Tam Đảo của Trịnh Xuân Thanh
Trịnh Xuân Thanh lợi dụng chức vụ của mình để sử dụng dòng tiền của PVC mua biệt thự Tam Đảo cho mình, khiến doanh nghiệp này chịu thiệt hại hơn 13,2 tỷ đồng.