22/06/2017 8:01 AM
Tưởng chừng khi con đường trước nhà được nâng cấp, sẽ giúp sinh hoạt gia đình thêm thuận lợi, căn nhà của mình sẽ gia tăng giá trị. Tuy nhiên, việc nâng cấp đường tại TP.HCM đang biến nhiều nhà dân thành hầm, thành núi, ở không xong, bán đi cũng không được.
Sau khi đường được xây mới, nâng cấp, hàng ngàn căn nhà tại TP.HCM bỗng dưng biến thành hầm. Ảnh: Gia Phú
Đường làm xong nhà dân không thể bán
Câu chuyện TP.HCM chỉnh trang đô thị, làm lại hàng loạt tuyến đường mới cho người dân đi lại thuận tiện và không gặp cảnh ngập lụt khi triều cường cũng như mưa lớn tưởng như một biện pháp tốt để giải quyết đời sống cho người dân. Tuy nhiên, điều này lại đi ngược với mục đích đề ra, nhà người dân tại các tuyến đường thì biến thành hầm, thành núi khi đường xây xong lại cao hơn mặt đường hoặc thấp hơn mặt đường cả mét.
Thống kê mới nhất từ Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, có 8.432 hộ gia đình trên địa bàn quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức có nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án môi trường, nâng đường, nâng hẻm. Những hệ lụy xuất hiện là nhà người dân sau mỗi cơm mưa nước ngập nặng hơn, muốn vào nhà thì phải bắc thang lên xuống… và khi người dân chịu cảnh không nổi phải bán nhà, thì cũng không thể bán được.
Đơn cử, tại đường Phạm Văn Chí (quận 6), Phạm Thế Hiển (quận 8), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)... hiện có hàng chục căn nhà treo bảng rao bán nhà và những căn nhà này đều có điểm chung là mặt đường cao hơn nền nhà 1 - 2 m, cầu thang dốc đứng, mọi đi lại, sinh hoạt rất khó khăn.
Ngay mặt tiền đường Phạm Văn Chí, bà Cúc (70 tuổi) lom khom treo tấm bảng rao bán nhà lên cánh cửa gỗ bạc thếch. Bà cho biết, bà đã sống ở đây hơn 40 năm. Nhà bà bây giờ thấp hơn mặt đường 1,5 m và cửa chính chỉ còn một ô hình vuông diện tích 1,2x1,2 m. Bà Cúc phải khom người trèo lên ghế nhựa và gắng hết sức mới có đà bước ra ngoài mỗi khi ra vào.
Bà Cúc ngán ngẩm nói: “Đã ở đây hơn nửa đời người, giờ bán nhà tiếc lắm, nhưng không thể ở được nữa. Tôi già cả, không có tiền nâng nền nên chuyển đi chỗ khác sống, chứ ở đây có ngày ngã gãy tay chân làm khổ con cháu”.
Tuy nhiên, bà Cúc cho biết, treo biển bán nhà đã từ lâu mà chả ai nhòm ngó mua. Nhiều người nói sao không kêu con cháu bỏ tiền sửa chữa hay nâng nền nhà lên ở, việc gì phải bán. Nhưng với nền nhà nâng 1,5 m, thì đi lại phải cụng đầu vào trần nhà…, mà xây lại thì phải có nhiều tiền nên bà quyết định bán nhà.
Tương tự, ông Tùng ở đường Phạm Văn Đồng (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) đã treo bảng bán nhà gần 1 năm nay nhưng vẫn chưa có ai mua. Ông Tùng cho hay, làm được bao nhiêu tiền, ông đã đổ vào để nâng nền hết, nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh ngập nước khi mưa, bởi sau khi đường Phạm Văn Đồng xây xong, thì nhà ông thấp hơn mặt đường 1,4 m, mà nâng quá, thì trần nhà lại quá thấp...
Bây giờ, nghỉ hưu, không có tiền nâng nền cao bằng mặt đường, nên ông chỉ còn cách bán đi nơi khác sống. Nhưng nhiều người tới coi nhà rồi thì lắc đâu ra đi, dù đường Phạm Văn Đồng giờ rất đẹp, kinh doanh rất tốt, nhưng để xây nhà mới ở đây, họ phải bỏ thêm vài tỷ đồng nữa, nên khách không mua.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, việc bán nhà tại các tuyến đường này quả thực rất khó, bởi với việc mua lại những căn nhà này, thì chủ nhân mới phải đập hết nhà cũ và đầu tư xây lại nhà mới, tức là chỉ mua quyền sử dụng đất, trong khi người dân bán thì ngoài tính giá đất, lại tính giá nhà cũ.
Một phần lý do của việc người dân treo biển bán nhà ở những tuyến đường to đẹp mới xây, nhưng không ai mua, là do các tuyến đường này hầu như nằm trong vùng ngập của Thành phố. Mỗi cơn mưa hoặc triều cường là tuyến đường này lại ngập rất nặng. Bên cạnh đó, khi việc mở rộng đường, các cơ quan chức năng đã lấy đi một phần diện tích căn nhà của người dân, để lại diện tích nhỏ hoặc lô đất biến thành méo mó…, nên không ai chịu mua.
Theo một chuyên gia về lĩnh vực chống ngập, tình trạng đường biến nhà thành hang, hầm là do cách làm của cơ quan chức năng thiếu quy hoạch dài hạn, đụng đâu sửa đấy. Hơn nữa, khi người dân làm thủ tục xây nhà, không có cán bộ nào khuyến cáo, hay nhắc nhở về các bản quy hoạch, người dân biết để xây nền cao.
UBND quận 6 cho biết, tại nơi có nhiều nhà đang rao bán, địa bàn quận thường xuyên chịu ngập, triều cường, nên buộc phải nâng đường, hẻm lên cao để người dân lưu thông. Hiện quận này đang khảo sát toàn bộ những tuyến đường biến nhà dân thành hầm để xem xét dùng quỹ phúc lợi, nguồn vốn vay hỗ trợ người dân sửa nhà, ổn định cuộc sống.
Tìm cách đền bù cho dân
Trước vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng lỗi này thuộc về cơ quan chắc năng, nên các đơn vị có trách nhiệm phải tìm cách đền bù thiệt hại cho người dân, nếu không sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân tại các tuyến đường này.
Sở Xây TP.HCM cũng cho biết, ngày 7/6 vừa qua, đơn vị này đã gửi UBND TP.HCM từ trình phương án hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng tại các tuyến đường xây mới nhưng bị ảnh hưởng nghiêm trọng không thể sinh sống được.
“Hiện Thành phố đang xây dựng mức hỗ trợ cho các chủ nhà ở riêng lẻ bị ảnh hưởng, bởi các dự án đầu tư xây dựng nâng cấp đường giao thông có cao độ chênh lệch với cao độ hiện trạng nhà ở”, ông Bùi Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho biết.
Cũng theo Sở Xây dựng TP.HCM, thì nguyên nhân dẫn đến tình trạng "nhà thấp hơn đường" tại TP.HCM là do hiện vùng trung tâm Thành phố gồm 13 quận nội thành có cao độ địa hình nhỏ hơn hoặc bằng 1,6 m, đặc biệt nhiều nơi thấp hơn 1,3 m như Bình Thạnh, quận 6, quận 8 và đây là những khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng ngập do triều cường.
Trong khi đó, quy hoạch về cao độ xây dựng của TP.HCM hiện nay tối thiểu phải từ 2 m trở lên, nên các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp đường, hẻm cũng theo cao độ từ 2 m trở lên. Kết quả là sau khi nâng đường, nâng hẻm, thì nhiều nhà dân nằm lọt thỏm dưới mặt đường, mưa lớn là nước chảy tràn vào nhà gây đảo lộn sinh hoạt.
Sở Xây dựng TP.HCM thống kê được tại quận 6 còn 617 hộ bị ảnh hưởng nhà thấp hơn đường hiện chưa có khả năng tự sửa chữa, nâng cấp nhà ở do tác động bởi các dự án thành phần của dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm khiến có nơi nhà thấp hơn mặt đường 1 m. Quận Bình Tân có đến 519 hộ và nhiều nhất là quận 8 có đến 7.135 trường hợp thuộc 27 dự án triển khai trên địa bàn có nền nhà thấp hơn mặt đường.
Với số lượng thống kê lên đến 8.432 hộ bị ảnh hưởng, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, việc xây dựng quy định về mức hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư nâng cấp đường giao thông là rất cần thiết.
Ước tính, tổng nguồn ngân sách bỏ ra để hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng nói trên khoảng 305 tỷ đồng, gồm hỗ trợ không hoàn lại 47 tỷ đồng và hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi khoảng 258 tỷ đồng.
“Hiện quy định hỗ trợ nói trên đang được xây dựng để có thể trình HĐND TP.HCM quyết định trong thời gian tới”, ông Bùi Văn Hiếu nói.
Có 8.432 hộ gia đình trên địa bàn quận 6, 8, Bình Tân, Bình Thạnh, Thủ Đức có nhà bị ảnh hưởng bởi các dự án môi trường, nâng đường, nâng hẻm.
(Nguồn: Sở Xây dựng TP.HCM)
Gia Phú (Đầu tư BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.