Bỏ hàng chục tỷ đồng mua đất, công trình trên đất có nguồn gốc phát mãi từ ngân hàng nhưng hơn 1 năm nay, đơn vị mua hợp pháp vẫn phải trần ai đi đòi…Thậm chí khi đưa ra tòa án, sự việc vẫn chưa thể giải quyết.

Suốt hơn 1 năm nay, đơn vị mua đất, tài sản nói trên là Công ty cổ phần ĐHC (trụ sở đường Phổ Quang, Q.Tân Bình, TP.HCM) kêu cứu khắp nơi, nhờ nhiều cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết vụ việc chiếm dụng tài sản trái phép...

Hiện các bên đã khởi kiện, đưa sự việc ra toà.

Công ty ĐHC mua tài sản phát mãi từ ngân hàng đã sở hữu hợp pháp nhưng gian nan đi đòi suốt 1 năm nay

Theo đó, cuối tháng 9/2018 công ty ĐHC ký 2 hợp đồng với ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) mua 2 thửa đất có tổng diện tích hơn 7.200m2 tại xã Trung An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Hồ sơ mua - bán đã hoàn tất theo đúng quy định pháp luật.

Nguồn gốc 2 thửa đất thuộc sở hữu hợp pháp của công ty TNHH SX-TM-DV Thành Nghĩa (trụ sở đường Phan Anh, Q.Bình Tân).

Trước đây, công ty Thành Nghĩa thế chấp số tài sản để vay tại ngân hàng SCB - chi nhánh Chợ Lớn, nhưng phát sinh nợ quá hạn nên ngân hàng phải phát mãi để thu hồi nợ.

Phía ngân hàng đã bàn giao tài sản cho công ty ĐHC có chứng kiến của đại diện chính quyền, là ông Lê Trí Dũng - Chủ tịch UBND xã Trung An.

Cũng trong giai đoạn cuối tháng 9, công ty ĐHC còn ký với công ty Thành Nghĩa 2 hợp đồng mua bán công trình xây dựng gồm nhà kho, kho chứa hàng, văn phòng trưng bày sản phẩm tọa lạc trên 2 thửa đất trên.

Thế nhưng, công ty ĐHC 'gặp khó' khi đối diện với 2 doanh nghiệp đang thuê nhà xưởng của công ty Thành Nghĩa là công ty TNHH SX-TM-DV Đại Sung và công ty TNHH thiết bị công nghiệp Tân Kim. Theo hợp đồng, 2 công ty này thuê nhà xưởng có thời hạn đến tháng 4/2021.

Theo trình báo của đại diện công ty ĐHC và ghi nhận của chính quyền địa phương, công ty này đã hoàn tất việc mua đất, công trình trên đất theo đúng trình tự, tuân thủ quy định pháp luật nhưng khi vào tiếp quản tài sản thì cấp phải sự cản trở của 1 số người của đơn vị thuê. Họ lập chốt bảo vệ, hàng rào tại đường vào 2 thửa đất, yêu cầu "nội bất xuất, ngoại bất nhập".

Do có sự ra vào của những người lạ, buộc chính quyền địa phương, đặc biệt là Công an xã Trung An phải tăng cường lực lượng tuần tra, đề phòng diễn biến phức tạp về mặt an ninh trật tự.

Các bên khởi kiện ra toà nhưng chính quyền địa phương lưu ý, đề phòng chuyện phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại khu vực

Trước sự căng thẳng giữa chủ đất mới và bên thuê, đặc biệt là đơn thư của công ty ĐHC gửi các ngành chức năng "kêu cứu" việc mua đất, tài sản nhưng không được sở hữu... buộc UBND và Công an xã Trung An phải mời các bên lên làm việc.

Tuy nhiên theo các biên bản, UBND xã ghi nhận có ít nhất 2 lần phía công ty Tân Kim, Đại Sung không hợp tác, vắng mặt không lý do; việc này dẫn đến việc tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan không được giải quyết rốt ráo, gây tốn kém thời gian, chi phí cho các bên liên quan.

Trước diễn biến không sử dụng, sở hữu tài sản đã mua, công ty ĐHC đã khởi kiện 2 công ty trên ra TAND huyện Củ Chi với yêu cầu chấm dứt việc sử dụng đất, tài sản trên đất mà doanh nghiệp này có quyền sở hữu hợp pháp; đồng thời yêu cầu bồi thường 1,9 tỷ đồng do hành vi chiếm dụng tài sản gây thiệt hại.

Đại diện công ty ĐHC khẳng định, với tư cách là người kế thừa quyền, nghĩa vụ của công ty Thành Nghĩa, không đồng ý với yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng cho thuê. Phía ĐHC đề nghị 2 doanh nghiệp trả lại mặt bằng và sẽ bồi thường do chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn.

Sự việc càng rối rắm khi mà mới đây công ty Tân Kim khởi kiện công ty Thành Nghĩa ra TAND Q.Bình Tân với yêu cầu buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Phía công ty Tân Kim khẳng định, quá trình thuê mướn nhà xưởng đã không có bất kỳ vi phạm hợp đồng nào. Khi công ty Thành Nghĩa ký hợp đồng bán tài sản cho công ty ĐHC, nhưng không có bất kỳ thông báo nào cho họ, là vi phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh.

Liên quan đến vụ việc, một cán bộ UBND xã Trung An cho hay, chính quyền đã tổ chức cho các bên đối thoại để giải quyết tranh chấp nhưng rõ ràng 2 đơn vị thuê nhà xưởng đã cố tình vắng mặt, nhằm trì hoãn kéo dài sự việc.

Hiện chính quyền đã hướng dẫn và khuyến khích các bên giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu kiện bằng hoà giải tại toà.

Theo công ty ĐHC, việc công ty nhận chuyển nhượng đối với tài sản thế chấp cho khoản nợ xấu của công ty Thành Nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tìm phương án giải quyết nợ xấu là hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc Hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Vụ việc đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với việc nhận chuyển nhượng tài sản có nguồn gốc từ các khoản nợ xấu và gián tiếp gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng trong công tác xử lý nợ xấu nếu như vụ việc không được giải quyết dứt điểm.

Phước An (VNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.