Bởi việc bảo trì hệ thống kỹ thuật không được chủ đầu tư quan tâm hoặc đã mua nhà, vào ở từ lâu mà không được chủ đầu tư và chính quyền địa phương cấp sổ hồng. Việc này không chỉ khiến người dân sống trong các chung cư lo lắng về tính pháp lý của căn nhà mà còn khiến bà con bị thiệt hại một loạt các quyền lợi khác như đăng ký hộ khẩu, thế chấp tài sản để vay vốn…
Ông Châu Hoàng Tiến Sỹ và nhiều bà con trong Ban Quản trị chung cư Phú Mỹ Thuận, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè đại diện cho 600 hộ dân đang sống tại đây phản ánh: Chủ đầu tư đã nhận 2% phí bảo trì của các hộ dân từ năm 2010; số tiền tạm tính đến cuối tháng 4 vừa qua đã lên tới 10,6 tỷ đồng, song đến nay chủ đầu tư mới chuyển cho Ban Quản trị chung cư được 350 triệu đồng. Do vậy, sau mấy năm sử dụng, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp cần sửa chữa nhưng không có kinh phí.
Trước thực trạng thang máy của chung cư liên tục trục trặc, trong cuộc họp giữa đại diện dân cư và chủ đầu tư vào tháng 3 vừa qua, người dân đã đề nghị thay toàn bộ thang máy để đảm bảo an toàn. Nhưng với lý do khó khăn về tài chính, chủ đầu tư cho rằng việc này là không thể thực hiện; người dân muốn thay thế linh kiện chính để thang máy hoạt đổng ổn định hơn cũng không thể làm với lý do không đồng bộ, thang sẽ không hoạt động. Tiền bảo trì do người dân nộp đã sử dụng hết, nay gặp khó khăn về tài chính, chủ đầu tư đã thẳng thừng tuyên bố không thể thanh toán ngay. Chưa hết, căn hộ đã được bàn giao cho người dân vào ở từ tháng 6/2010, nhưng đến nay chủ đầu tư và địa phương vẫn chưa có kế hoạch cụ thể đến khi nào sẽ giao sổ hồng cho bà con.
Bãi đậu xe ôtô nằm sát chung cư khiến người dân luôn bất an với tình trạng cháy nổ.
Tại chung cư Thanh Nhựt ở quận 8, người dân còn khốn đốn hơn do chủ đầu tư liên tục thúc ép, buộc phải nộp thêm 2% phí bảo trì trong khi khoản tiền này thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư. Do không được bảo trì, thang máy tại chung cư này thường xuyên bị hỏng gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân; bình chữa cháy hết hạn cũng không được bảo trì định kỳ; hệ thống nước thải thường xuyên bị nghẹt tràn lên, hồ nước sinh hoạt thường xuyên bị đục do xây dựng không đúng kỹ thuật…
Từ bức xúc, lo lắng của nhiều hộ dân, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp tổ chức nhiều đợt kiểm tra với các chung cư trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy tình trạng vi phạm về bảo trì công trình, bảo trì trang thiết bị kỹ thuật, đảm bảo an toàn điện tại các chung cư vẫn diễn ra khá phổ biến.
Tại chung cư Botanic ở quận Phú Nhuận, dù mức thu phí dịch vụ với căn hộ là 5,5 ngàn đồng/m2/tháng, nhưng cũng chỉ đủ để chủ đầu tư sử dụng để chi phí cho 8 loại dịch vụ. Trong đó về mặt kỹ thuật chỉ có duy nhất 1 dịch vụ là bảo trì thang máy chứ không có tiền để lắp đặt biển báo nguy hiểm tại tủ điện; lắp đặt hệ thống báo cháy tại tầng hầm hay kinh phí bảo trì khối thép kỹ thuật nối giữa 2 block nhà cao 18 tầng… Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân sống trong các chung cư, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường kiểm tra; xử phạt thật nặng việc bảo trì bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật; an toàn điện, phòng chống cháy nổ… sai quy định