04/07/2018 8:03 AM
Trước tình trạng đất công liên tục bị sử dụng sai mục đích, lãnh đạo TP HCM đã đưa ra hướng xử lý và chốt thời hạn báo cáo của sở - ngành.

Tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách TP HCM 6 tháng đầu năm 2018 trưa 3-7, câu chuyện đất công bị "xà xẻo", sử dụng sai mục đích liên tục được báo chí đặt câu hỏi về phía chính quyền TP. Nổi lên là việc dư luận đặt vấn đề có hay không Sở Xây dựng TP đã cấp phép xây dựng cho dự án khu chung cư gia đình quân nhân Sư đoàn Không quân 370 mặc dù trước đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng mọi hoạt động xây dựng ở khu vực đất quốc phòng sân bay?

Chưa được cấp phép xây dựng

Trả lời câu hỏi trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Lê Trần Kiên cho biết dự án khu dân cư gia đình quân nhân trên đường Tân Sơn, phường 15, quận Tân Bình có quy mô khoảng gần 6 ha. Mục tiêu sử dụng là xây dựng khu dân cư gia đình quân nhân của sư đoàn 367 và 370.

Dự án này đã được TP công nhận chủ đầu tư vào tháng 11-2015 và chấp thuận đầu tư vào tháng 2-2017. "Nhưng qua kiểm tra hồ sơ, dự án này chưa được cấp giấy phép bán nhà hình thành trong tương lai cũng như chưa được cấp phép xây dựng" - ông Kiên khẳng định.

Quán cà phê hoành tráng mọc ngay trên đất Công viên 23 Tháng 9 (TP HCM) Ảnh: Hoàng Triều

Thông tin thêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho hay từ năm 2011, Bộ Quốc phòng chủ trương cho Quân chủng Phòng không - Không quân làm việc với các cơ quan của TP, xin chuyển 8.100 m2 từ đất quốc phòng sang nhà ở quân đội. Theo ông Thắng, trách nhiệm của TP là rà soát theo quy hoạch, mục đích sử dụng đất thực hiện các chủ trương pháp lý về đất đai.

Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan - người chủ trì buổi họp báo - nói đây là đất quân đội, nằm trong khuôn viên sân bay, thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng. Chính quyền TP chỉ quản lý về mặt quy hoạch và nếu có thì thêm tư vấn thẩm định giá hỗ trợ cho các cơ quan trung ương.

Còn các vấn đề liên quan đến triển khai thực hiện là trách nhiệm của các cơ quan Bộ Quốc phòng. Theo đó, ông Hoan đề nghị các sở - ngành liên quan nghiên cứu thêm hồ sơ vụ việc để báo cáo lại UBND TP trong thời gian sớm nhất rồi sẽ cung cấp đầy đủ, chính xác đến các cơ quan báo chí và xử lý.

Đất công viên nhất quyết không được kinh doanh

Chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách TP 6 tháng đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng rất bức xúc chuyện đất công bị sử dụng sai mục đích. "Điểm mặt" Công viên 23 Tháng 9 (quận 1) bị hàng quán "xẻ thịt", ông nói: "Ngoài đoạn thi công tuyến đường sắt đô thị, các đoạn còn lại của công viên toàn quán cà phê, ca nhạc. Công viên mà làm kiểu gì kỳ thế! Trên địa bàn TP có bao nhiêu công viên bị lấn chiếm như thế nữa".

Tại đây, chủ tịch UBND TP khẳng định công viên phải là không gian để mọi người vui chơi, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi chứ không phải nơi để kinh doanh. "Việc công viên bị lấn chiếm không phải là chuyện nhỏ. Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Bùi Xuân Cường trong tháng 7 phải báo cáo đầy đủ cho UBND TP hiện trạng tất cả công viên trên địa bàn TP. Việc này phải làm nhanh, không thể chậm hơn được nữa" - ông Phong chỉ đạo, đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã có báo cáo quy hoạch Công viên 23 Tháng 9 như thế nào để TP còn quyết.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng đã ra "tối hậu thư" các công trình quán ăn, bãi xe... trong Công viên 23 Tháng 9 phải di dời theo lộ trình hoặc chấm dứt hoạt động. Động thái này được đưa ra nhằm lập lại trật tự ở Công viên 23 Tháng 9 bởi đang có nhiều đơn vị quản lý chồng chéo, thiếu kiểm soát trong xây dựng, khai thác. Nhất là tại khu B có hàng loạt hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ... làm thay đổi công năng của công viên và gây ùn ứ giao thông.

Theo đó, ông Tuyến yêu cầu Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát tính pháp lý của từng công trình, quán ăn, bãi xe... ở công viên này và đề xuất lộ trình di dời. Đối với các hoạt động không phép đang gây mất trật tự, an toàn, ảnh hưởng đến mảng xanh, vệ sinh môi trường phải dẹp ngay.

15 đơn vị sai phạm về kinh tế

Theo báo cáo của UBND TP HCM, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt hơn 585.600 tỉ đồng, so với cùng kỳ tăng 7,76%; tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 183.465 tỉ đồng, đạt 48,69% dự toán, tăng 8% so cùng kỳ.

"Trong 6 tháng cuối năm, nếu chúng ta thực hiện hiệu quả các giải pháp thì kinh tế TP đạt được chỉ tiêu tăng trưởng hơn 8%. Để làm được điều đó cần sự nỗ lực hết mình của các cấp chính quyền, sở - ngành và nhân dân TP" - Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nói.

Sáu tháng đầu năm 2018, Thanh tra TP HCM cũng đã thực hiện 21 đoàn thanh tra tại 40 đơn vị. Qua thanh tra đã phát hiện 15/40 đơn vị có sai phạm về kinh tế trên 270 tỉ đồng. Thanh tra TP kiến nghị thu hồi số tiền trên 109 tỉ đồng; kiến nghị xử lý khác trên 161 tỉ đồng; đồng thời kiến nghị xử lý hành chính 18 tập thể và 12 cá nhân.

Phan Anh (NLD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.