30/09/2012 7:40 AM
Sức mua có cải thiện nhưng không đáng kể, hàng tồn kho vẫn cao, nợ xấu chưa được giải quyết nên tín dụng 3 tháng cuối năm sẽ tăng không quá 1% mỗi tháng, tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định.

Đã qua 3/4 chặng đường của năm, ông có thể đánh giá về tình hình các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay và thời gian tới?

- Tuy các chỉ số kinh tế vĩ mô có dấu hiệu phục hồi, nhưng tôi cho rằng, sự nhích lên này giống như người bệnh yếu ớt mới bắt đầu khỏe lại, nếu không khéo bệnh sẽ tái phát, thậm chí nghiêm trọng hơn. Xuất khẩu từ tháng 6 về trước tăng rất cao, nhưng từ tháng 7 đã giảm dần và tháng 8 giảm nhiều hơn. Đặc biệt, trong 17%-18% tăng trưởng xuất khẩu thì khu vực FDI tăng đến 38%, còn trong nước gần như không tăng, thậm chí thấp hơn năm trước nếu so về tốc độ.

Tiến sĩ Trần Du Lịch

Tổng doanh thu hàng hóa bán lẻ trên thị trường 9 tháng đầu năm nếu trừ yếu tố giá thì tăng 6,9%, cao hơn cùng kỳ trước 6,4%, tức thị trường có dấu hiệu ấm lên, và hàng tồn kho đang giảm nhẹ. Nhưng những điều này chưa đủ để ngăn tình trạng giải thể, ngưng hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Vậy theo ông, gói hỗ trợ thị trường thời gian qua mà Chính phủ thực hiện theo nghị quyết 13 có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp tính đến thời điểm này?

- Năm nay mặc dù doanh nghiệp khó khăn nhưng Chính phủ không thể sử dụng gói hỗ trợ lãi suất như năm 2009 khi xảy ra khủng hoảng toàn cầu mà chỉ áp dụng gói hỗ trợ thị trường. Riêng về tài khóa thì triển khai miễn giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế sử dụng đất cho các doanh nghiêp bất động sản, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Có thể xem đây như là động thái Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp "tiền vay không lãi" trong bối cảnh các doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc này chỉ có tác dụng với doanh nghiệp có lãi, họ sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp, các doanh nghiệp còn lại thì không có ý nghĩa.

Nhưng tôi cho rằng, dù sao nó cũng có tác động dây chuyền và phần nào hỗ trợ sức mua của thị trường (có dấu hiệu ấm lên). Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất về 15% thời gian qua cũng là một trong những cố gắng của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp. Mặc dù không biết chính xác bao nhiêu doanh nghiệp đã tiếp cận được mức vay này nhưng đây được xem là một trong các giải pháp phù hợp với mục tiêu kiềm lạm phát tuy chưa tạo ra sức bật lớn cho doanh nghiệp.

- Để tạo ra sức bật cho doanh nghiệp và cải thiện tình hình kinh tế, ông kiến nghị những giải pháp gì?

- Chính phủ dự kiến giải ngân ngân sách trong kế hoạch gồm bội chi ngân sách cho đầu tư và nghị quyết Quốc hội thông qua phát hành trái phiếu, thì tính ra giải ngân của 6 tháng cuối năm mỗi tháng 21.000 tỷ. Với lượng giải ngân này sẽ kích thích sức mua thị trường và giải quyết bế tắc của một số ngành như xi măng, sắt thép.

Còn riêng vấn đề hàng tồn kho hiện nay khó giải quyết vì sức mua người dân yếu và xuất khẩu cũng không khả quan. Bởi nhìn vào thực tế, xuất khẩu năm nay tăng nhưng chủ yếu tăng ở khu vực FDI còn trong nước là giảm sút nghiêm trọng nếu xét về tốc độ so với năm 2011 nên không giải quyết được vấn đề hàng tồn kho.

Với thực trạng trên, tôi cho rằng Chính phủ nên xem xét cho phép một số doanh nghiệp có hàng tồn kho trong một số lĩnh vực quan trọng được giảm VAT để họ giảm giá bán sản phẩm và cho phép họ giảm giá thấp hơn luật cạnh tranh quy định là 50%. Đồng thời, những doanh nghiệp này khó về vốn lưu động mà vướng vào nợ xấu thì nên giãn nợ để họ tiếp tục sản xuất, tránh tình trạng ngưng trệ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể mở room tín dụng tiêu dùng (trong bối cảnh tín dụng tăng chậm) để kích thích sức mua.

- Với tình hình nền kinh tế khó hấp thu nguồn vốn ngân hàng, theo ông tín dụng 3 tháng cuối năm sẽ tăng trưởng như thế nào? Và liệu nó có thể đạt chỉ tiêu 10-12% theo kế hoạch mới điều chỉnh của cơ quan quản lý không?

- Đến nay, tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 2%, nếu để đạt chỉ tiêu trên, bình quân mỗi tháng sẽ phải tăng thêm 3%. Khi đó, trong vòng 3 tháng khoảng tiền cung ứng ra thị trường là khổng lồ gần 150.000 tỷ đồng. Tôi cho rằng, dù nỗ lực như thế nào thì chỉ tiêu tăng tín dụng năm nay 10-12% là không khả thi.

Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, khi thanh khoản ngân hàng cải thiện thì tốc độ huy động của dân 9 tháng tăng hơn 10% nhưng nền kinh tế vẫn không hấp thu được vốn do tồn đọng cục máu đong nợ xấu. Do đó, vấn đề hiện nay không phải là lãi suất giảm thêm nữa mà là cần giải quyết nhanh nợ xấu. Nên hiện tượng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp không vay được là có thực.

Vì vậy, với một số ngành BOT đang làm công trình giao thông,...có khoản nợ xấu thì nên khoanh nợ để họ tiếp tục triển khai. Nếu không sẽ khó tăng tín dụng, doanh nghiệp khó khăn hơn và nợ xấu lại tiếp tục tăng. Cứ thế, nền kinh tế cứ rơi vào vòng luẩn luẩn. Và tôi cho rằng, 3 tháng cuối năm nếu nỗ lực lắm thì tín dụng mỗi tháng cũng chỉ tăng tối đa 1%.

Tiến sĩ kinh tế Trần Du Lịch hiện là Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM. Trước khi làm Viện trưởng Viện Kinh tế TP HCM trong 10 năm (1998-2008), ông là Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý và Phát triển, Thư ký Hội đồng khoa học Viện Kinh tế thành phố. Nhiều năm liền, ông là Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia (từ năm 2001); thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương (Trung ương Đảng) từ năm 2006.
Theo Lệ Chi (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.