18/10/2013 2:43 PM
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có đề xuất về thuế đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng, đó là mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt được đề nghị lên đến 20%. Liệu đề xuất này có hợp lý và có giảm được chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước mà dư luận đang quan tâm?

Theo VAFI, Chính phủ nên xem xét đưa kinh doanh vàng miếng, vàng trang sức vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ô tô, xe máy… vì bản chất của vàng miếng, vàng trang sức là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết. Tuy nhiên, VAFI chỉ đề nghị thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang, còn với hoạt động bán vàng cho NHNN theo giá thế giới không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhìn từ các nước

Theo báo cáo của Tập đoàn Pricewaterhouse Coopers LLP (PwC) về tác động kinh tế trực tiếp của vàng trong năm 2012 tại các nước đứng đầu thế giới về sản xuất và tiêu thụ vàng, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong 13 nước tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, trong đó nhu cầu về công nghệ là 76 tấn, nhu cầu tiêu dùng 77 tấn. 2 nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp đến là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan…

Theo nguồn dữ liệu của Bloomberg về các loại thuế liên quan đến hoạt động vàng của một số quốc gia, bao gồm thuế nhập khẩu vàng (MFN dutyrate), thuế doanh thu (Sales tax) và một số thuế bổ sung khác (Additional duties & taxes), mỗi quốc gia tùy theo đặc tính khác nhau để có chính sách thuế khác nhau cho từng loại thuế.

Như vậy, nhìn vào biểu thuế được tính trên vàng của mỗi quốc gia là khác nhau, có những quốc gia hoàn toàn không áp dụng bất kỳ loại thuế nào như Trung Quốc, Malaysia… nhưng có những quốc gia hài hòa giữa 2 loại thuế nhập khẩu và thuế đánh trên quá trình lưu thông (ở đây tôi tạm dùng thuế doanh thu).

Tuy nhiên, có những cách tính khác nhau trong loại thuế doanh thu chứ không phải hiểu một cách đơn thuần là thuế đánh trên doanh thu bán hàng. Loại thuế này ở Việt Nam được thay bằng thuế giá trị gia tăng (VAT).

Qua đó cũng có thể thấy, rất ít quốc gia có mức thuế suất cao nhất là những nước có lượng vàng lớn trong dân. Tổng hợp một số quốc gia đánh thuế vàng tiêu biểu, trong đó có Nga là quốc gia mà VAFI minh chứng.

Thuế ở Việt Nam

Tại Thông tư 129/2008/TT-BTC, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định 123/2008/NĐ-CP ngày 8-12-2008 của Chính phủ, trong đó có quy định hoạt động kinh doanh vàng chịu thuế giá trị gia tăng 10%.

Như vậy, biểu thuế trên cho thấy Việt Nam thu thuế giá trị gia tăng thay cho thuế doanh thu, mức thuế suất này được ấn định 10% và phương pháp thu trực tiếp. Tại Công văn 5964/BTC-CST ngày 4-5-2012, Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn cách tính thuế giá trị gia tăng trên cơ sở: “Đối với hoạt động kinh doanh vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ, giá trị gia tăng là số chênh lệch giữa doanh số bán ra vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ trừ (-) giá vốn của vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ bán ra”.

Như vậy, hoạt động kinh doanh mua bán vàng được điều tiết bởi Luật Thuế giá trị gia tăng, mức thuế suất này tác động lên chênh lệch giá mua và bán của các tổ chức được phép kinh doanh vàng.

Do đó không thể hạn chế quá trình mua bán này bằng một sắc thuế khác và ai cũng biết hàng hóa đã chịu thuế giá trị gia tăng thì không thể gánh chịu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu VAFI đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì cần đề xuất cái gọi là thay thế thuế giá trị gia tăng bằng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ hợp lý hơn.

Để có vàng bán ra thị trường, NHNN phải nhập khẩu vàng từ thế giới. Nghĩa là nếu nền kinh tế có nguồn cung dồi dào và bán cho NHNN thì NHNN đương nhiên sẽ mua theo giá thế giới. Còn trong quá trình vàng lưu thông, ngoài lượng vàng trong dân được mua bán giữa các tổ chức kinh doanh vàng, phần còn lại của nền kinh tế sẽ chịu thêm mức thuế giá trị gia tăng 10%.

Như vậy, với đặc điểm của Việt Nam, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng và bán vàng ra nền kinh tế đã chủ động thiết lập một mức thuế ẩn trên chênh lệch giá trong nước và thế giới. Mức thuế ẩn này đã gián tiếp thay thế các loại thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thiết nghĩ, nếu theo lời của VAFI áp lực vàng nhập lậu sẽ rất lớn và sẽ gây nhiều tác động bất lợi cho nền kinh tế mà lịch sử thị trường vàng đã ghi nhận.

Chí Hải (Sài Gòn đầu tư tài chính)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.