10/11/2020 9:10 AM
Pháp Luật TP.HCM ngày 7-11 có bài “14 lần công chứng vay tiền bằng sổ hồng giả” phản ánh kiến nghị của VKSND TP.HCM đối với Sở Tư pháp TP về việc chấn chỉnh hoạt động công chứng trên địa bàn TP.

Theo đó, bài báo dẫn lại văn bản của VKSND TP dẫn chứng một số vụ việc công chứng hợp đồng vay tiền là giấy tờ giả và do người khác đứng tên. Cụ thể, vụ của Nguyễn Thị Hồng Giang và Nguyễn Minh Đông cùng vợ là Lê Thị Tiên làm giả nhiều giấy tờ nhà rồi sử dụng giấy tờ giả để lập hợp đồng công chứng vay tiền tại các tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có Phòng Công chứng (PCC) số 2, để chiếm đoạt tiền.

Sau khi báo đăng, trao đổi với PV, lãnh đạo PCC số 2 cho biết qua kiểm tra hồ sơ lưu thấy rằng tất cả trường hợp VKSND TP nêu liên quan đến hành vi bà Giang và vợ chồng ông Đông có công chứng tại PCC số 2 chỉ là các hợp đồng vay tiền giữa cá nhân với nhau, không có biện pháp bảo đảm bằng tài sản là nhà, đất. Các hợp đồng vay tiền này được chứng nhận vào năm 2017.

Thông tin về công chứng hợp đồng vay tiền bằng giấy tờ giả - ảnh 1

Thông tin về công chứng hợp đồng vay tiền bằng giấy tờ giả - ảnh 2

Một trong các hợp đồng vay tiền mà vợ chồng ông Đông thực hiện tại Phòng công chứng số 2 vào năm 2017. Ảnh: Song Nguyễn

Đây là những giao dịch dân sự tự nguyện và hợp pháp theo quy định pháp luật khi người dân yêu cầu công chứng. Hồ sơ lưu trữ cũng thể hiện công chứng viên PCC số 2 chỉ chứng nhận hợp đồng vay tiền giữa cá nhân với nhau, không có chứng nhận việc vay tiền và thế chấp tài sản bằng giấy tờ nhà, đất giả.

Theo tìm hiểu của PV, trong các trường hợp trên, đối tượng lừa đảo lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của một số người để thực hiện việc vay tiền. Họ chỉ yêu cầu công chứng hợp đồng vay tiền chứ không công chứng hợp đồng vay tiền có thế chấp tài sản để tránh bị công chứng viên phát hiện dùng giấy tờ giả.

Đồng thời, các bên tự ký thêm với nhau và không có công chứng một số loại văn bản khác như hợp đồng cầm cố nhà, hợp đồng cho thuê lại nhà và đối tượng lừa đảo giao giấy tờ chủ quyền nhà, đất cho người cho vay để làm tin. Sau đó, đối tượng vay tiền chiếm đoạt tiền rồi bỏ trốn, người bị hại tìm hiểu thì mới phát hiện các giấy tờ nhà, đất mà đối tượng lừa đảo giao cho họ giữ là giấy tờ giả.

Đây là một dạng lừa đảo có tổ chức phổ biến ở nhiều địa phương và cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc khi nhận được thông tin tố giác của người bị hại. Thời gian qua, PCC số 2 cũng đã tích cực cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để góp phần xử lý các đối tượng lừa đảo này.

Kim Phụng (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.