Ngày 8/9, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC niêm yết ở mức 45,9 triệu đồng/lượng mua vào và 46,25 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC tăng 650.000 đồng/lượng so với ngày 7/8, với mức tăng này, giá vàng trong nước hiện cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng. Ngân hàng Nhà nước đang bất lực với thị trường vàng dù nắm trong tay độc quyền sản xuất?

Vàng tăng 4 triệu đồng/lượng

Không chỉ vượt xa giá vàng thế giới, giá vàng miếng SJC còn vượt xa các thương hiệu vàng miếng khác trong nước. Ngày 8/9, Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng Rồng Thăng Long là 43,15 triệu đồng/lượng mua vào và 43,45 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng miếng AAA cũng có mức giá 43,9 triệu đồng/lượng mua vào và 44,2 triệu đồng/lượng bán ra. Mức chênh lệch lớn giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới và các loại vàng miếng phi SJC gây lúng túng cho người dân mua vàng làm phương tiện tiết kiệm. Tuy nhiên, đây có thể lại là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư “lướt sóng”. Với mức giá 46,25 triệu đồng/lượng bán ra, trong vòng 1 tháng tính đến thời điểm ngày 8/9, giá vàng miếng SJC đã tăng khoảng 4 triệu đồng/lượng, từ mức giá trên 42 triệu đồng/lượng đầu tháng 8.

Một động thái đáng chú ý khác là cuối tuần qua, một loạt ngân hàng đã công bố tăng lãi suất huy động vàng. Ngày 6/9, Ngân hàng ACB công bố mức lãi suất dành cho chứng chỉ huy động vàng lên 1,4%/năm và “thưởng” 0,2% lãi suất dành cho các khoản gửi từ 10 lượng trở lên. Sau ACB, Eximbank cũng tung ra chương trình "Kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng", với mức lãi suất cao nhất lên 1,6% cho các khoản gửi trên 10 lượng. Còn tại Sacombank mức lãi suất chung 1,6% dành cho mọi khoản gửi vàng. Mức lãi suất huy động vàng của các ngân hàng này trước đó chỉ ở mức 0,5% đến 0,8%/năm.

Lợi thế của một số đơn vị cũng lại có thể là thiệt hại cho những đơn vị khác. Trong khi người dân có thể chọn phương tiện cất giữ tài sản khác khi vàng có biến động bất thường thì một số doanh nghiệp và ngân hàng trước đây đã bán vàng ra, bây giờ vàng tăng lại phải mua vào để đảm bảo trạng thái thanh khoản. Tuy nhiên, ngược lại với động thái tăng lãi suất huy động vàng của nhóm ngân hàng, một số ngân hàng lại giảm mạnh lãi suất huy động.

Chính sách về vàng kém hiệu quả

Bản tin thị trường vàng của Công ty SJC, ngày 8/9, dẫn lại dự báo của các tập đoàn lớn, giá vàng sẽ tăng mạnh. Cụ thể, theo Goldman Sachs, đến cuối năm giá vàng sẽ lên 1.840 USD/ounce; JP Morgan dự báo giá sẽ là 1.800 USD/ounce; Bank of America Merrill Lynch dự báo giá sẽ lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm.

Đó là đánh giá tại báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban kinh tế Quốc hội. Ngoài ra, báo cáo cho rằng “Việc cho phép 5 NHTM tham gia bán vàng miếng vào tháng 11/2011 để kéo giá vàng trong nước về sát với giá vàng quốc tế không thực sự thành công”. Cụ thể là cuối năm 2011, khi giá vàng thế giới chênh lệch lớn với giá vàng thế giới có lúc lên đến 4-5 triệu đồng/lượng, NHNN đã cho phép các ngân hàng ACB, Eximbank, Sacombank, DongABank và Techcombank được bán một phần lượng vàng huy động và tồn quỹ. Báo cáo của Ủy ban kinh tế Quốc hội đánh giá, mặc dù trong thời gian đầu, giá vàng miếng trong nước chỉ còn chênh hơn vàng quốc tế khoảng 500.000 đồng, nhưng trạng thái này chỉ duy trì được một thời gian ngắn. Sau đó, giá vàng trong nước lại quay trở về mức cao hơn giá vàng quốc tế 2-3 triệu đồng/lượng. Theo báo cáo: “Sự chênh lệch giá vàng lớn giữa trong và ngoài nước dẫn đến hiện tượng nhập vàng lậu qua biên giới. Khi điều này xảy ra, sẽ dẫn đến hiện tượng gom ngoại tệ, khiến tỷ giá trên thị trường tự do tăng mạnh. Người dân khi đó sẽ găm giữ ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến tỷ giá liên ngân hàng”.

Giá vàng trong nước tăng một phần do giá vàng thế giới đã có tuần thứ 3 tăng liên tiếp, đạt ngưỡng cao 1.736 USD/ounce. Tuy nhiên, nhiều tập đoàn kinh tế uy tín hiện vẫn đưa ra dự báo giá vàng sẽ tăng mạnh, đến cuối năm sẽ là 1.800 USD đến 2.000 USD/ounce. Nếu dự đoán này là hiện thực thì thị trường vàng trong nước sẽ khó tránh khỏi một cơn biến động lớn. Cùng với những hậu quả xấu mà báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban kinh tế Quốc hội chỉ ra, NHNN có lẽ sẽ cần phải tính đến những biện pháp để bình ổn thị trường vàng(?!). Trước đây, nhiều chuyên gia đã cho rằng, cùng với Thông tư 32/2011 của NHNN, khi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, thị trường vàng sẽ ổn định, giá vàng trong nước sẽ tiệm cận giá vàng thế giới. Thế nhưng, hiện tất cả các văn bản trên đều đã được ban hành song giá vàng trong nước vẫn bỏ xa giá vàng thế giới.

Phải chăng, thị trường vàng vẫn nằm ngoài vòng kiểm soát?
Theo Đắc Kiên (GiadinhNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.