Đến hẹn lại giảm, các thương hiệu thép xây dựng trong nước tiếp tục thông báo hạ giá sản phẩm trong ngày 21/6. Lần này, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Việt Ý, Việt Mỹ, Kyoei... đều giảm 200.000-540.000 đồng/tấn.
Giá thép đang giảm thấp nhưng tình hình tiêu thụ vẫn không có nhiều khả quan
Cụ thể, thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm giá bán dòng thép cuộn CB240 giảm 250.000 đồng/tấn xuống ở mức 14,04 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 210.000 đồng/tấn, hiện có giá 14,48 triệu đồng/kg.
Tại miền Trung, doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn đối với thép cuộn và thép thanh vằn, giá lần lượt xuống còn 13,84 triệu đồng/tấn và 14,34 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, giảm 170.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và 200.000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 tại khu vực miền Nam. Sau điều chỉnh, giá hai loại này còn 14,14 triệu đồng/tấn và 14,44 triệu đồng/tấn.
Tương tự, thép Việt Ý cũng hạ 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống 13,74 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150.000 đồng/tấn còn 14,24 triệu đồng/tấn.
Với công ty thép Việt Đức, giá bán mới nhất của loại thép cuộn CB240 đang ở mức 13,84 triệu đồng/tấn sau khi được hạ giá 200.000 đồng. Còn thép thanh vằn D10 CB300 giảm 220.000 đồng/tấn xuống còn 14,34 triệu đồng/tấn.
Trong đợt điều chỉnh lần này, thép Việt Mỹ là một trong những thương hiệu giảm giá mạnh nhất khi giảm 350.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 và giảm tới 540.000 với thép thanh vằn D10 CB300. Sau điều chỉnh, giá bán mới nhất của 2 loại thép này lần lượt 14,06 triệu đồng và 14,11 triệu đồng một tấn.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Bên cạnh đó, xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh...
"Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện bảo lãnh giá cho hàng và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới", VSA nhận định.
Giá giảm liên tục vẫn không kích được cầu
Thường vào dịp nửa cuối năm sẽ là thời điểm sôi động của thị trường thép, khi nhu cầu xây dựng tăng cao sẽ khiến sản lượng tiêu thụ thép tăng theo, giá bán có nhiều thay đổi. Nhưng năm nay lại khác, thời điểm này giá thép đang giảm thấp nhưng thực thế tình hình tiêu thụ lại sụt giảm khiến hoạt động kinh doanh mặt hàng thép nói chung, thép xây dựng nói riêng có phần ảm đạm.
Theo thông tin từ VSA, tính riêng từ tháng 4/2023 đến nay, giá thép đã trải qua 18 lần điều chỉnh, giảm từ mức 17 triệu đồng/tấn xuống còn hơn 14 triệu đồng/tấn. Giá bán giảm mạnh nhưng tiêu thụ lại không khả quan khiến cho nhiều doanh nghiệp gặp khó.
VSA cũng cho hay, tiêu thụ thép các loại trong 5 tháng đầu năm đạt 10,4 triệu tấn, giảm 19,3 % so với cùng kỳ năm 2022.
Trước những diễn biến xấu của thị trường, VSA kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT) cho các sản phẩm thép từ 10% xuống 8%. Bên cạnh đó, xem xét hạ lãi suất và ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi đối với doanh nghiệp sản xuất.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công đạt 95-100% kế hoạch năm, khơi thông dòng vốn cho bất động sản, nhất là bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở, đơn giản thủ tục gói 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội.
Price Guarantee - bảo lãnh giá là một thỏa thuận giữa công ty và khách hàng, trong đó nếu công ty giảm giá sản phẩm hoặc dịch vụ trong tương lai, công ty cam kết sẽ trả lại phần chênh lệch cho những khách hàng đã trả giá cao hơn. Các nhà cung cấp đưa ra mức giá đảm bảo này để khuyến khích các hợp đồng dài hạn. |
-
Giá thép xây dựng “nhảy múa” thế nào từ đầu năm đến nay?
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá mặt hàng thép xây dựng đã trải qua 17 lần điều chỉnh giá bán, trong đó có 6 lần tăng và 11 lần giảm liên tiếp.
-
Diễn biến đáng chú ý trên thị trường THÉP CHẤT LƯỢNG CAO, loại vật liệu nhiều ngành công nghiệp đều cần
Thép cuộn cán nóng chất lượng cao (HRC) đang phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập khẩu. Nếu tự chủ được, các ngành như đóng tàu, cơ khí chính xác, sản xuất ô tô, container... sẽ bớt phụ thuộc chuỗi cung ứng HRC ngoại....
-
Chuyển động mới tại Thép Hòa Phát Hải Dương sau động thái mở cửa lại lò cao công suất 1,2 triệu tấn/năm
Năm 2023, nhà sản xuất thép này đã dừng hoạt động 1 lò cao công suất 1,2 triệu tấn/năm tại Khu liên hợp gang thép Hải Dương để bảo dưỡng, chuẩn bị cho các đợt sản xuất mới trong năm nay.
-
Xu hướng các lĩnh vực sử dụng thép như ngành xây dựng, sản xuất ô tô hiện ra sao?
Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Thế giới (WorldSteel), nhu cầu thép toàn cầu năm 2024 dự kiến sẽ suy giảm 0.9%, xuống còn 1,75 tỷ tấn. Con số này thể hiện một bước lùi đáng kể so với dự báo tăng trưởng 1,7% được đưa ra trước đó....