Thị trường bất động sản Hà Nội luôn khó lý giải, nhiều đợt sốt nóng không rõ lý do đã xảy ra. Lần này cũng vậy với phân khúc đất nền ở khá nhiều khu vực.

Trên thị trường bất động sản Hà Nội, những nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy đất nền từ cách đây 3 tuần đang mỉm cười sung sướng, bởi giá mỗi m2 đất tại nhiều dự án đã tăng cả chục triệu đồng. Khẩu vị của dân đầu tư bất động sản Hà Nội vẫn tập trung ở đất nền bởi niềm tin mãnh liệt rằng: mặt hàng nào càng khan hiếm càng trở nên đắt đỏ.

Trong vai một người có nhu cầu đầu tư thửa đất khoảng 6 - 7 tỷ đồng, tôi tìm đến 3 - 4 văn phòng môi giới bất động sản, lời khuyên của hầu hết các sàn đều nhắm vào một địa chỉ: dự án Vân Canh của HUD. Tuy vậy, giá cả đã tăng đáng kể so với vài tuần trước, nếu như đầu tháng 9, mỗi ô đất 100 m2 tại đây có giá khoảng 40 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên 52 triệu đồng/m2. Trong khi đó, giá gốc trên mỗi hợp đồng chuyển nhượng chỉ có 28,5 - 31,5 triệu đồng/m2. Các công ty thành viên của HUD đều cho biết, đã hoàn tất bán hàng các ô liền kề, biệt thự, nhưng thực tế khách hàng vẫn có thể được vào tên chính chủ với công ty. Môi giới bất động sản cho hay, tiếng là các DN đã bán hết hàng, nhưng DN nào cũng có những khách hàng có mối quan hệ thân thiết, họ đứng ra mua thứ cấp hoặc cũng chỉ ghi danh chưa chuyển tiền cho công ty. Khi có khách hàng mới, họ sẽ hủy hợp đồng mua bán, đưa khách mới vào ký với công ty và thu tiền chênh. Một môi giới bày cách, cứ sàn nào hứa vào tên chính chủ cho khách hàng, ấy là chỗ DN còn "dấm" hàng. Không chỉ các ô liền kề đắt khách, biệt thự có diện tích rộng trên 300 m2 vẫn bán được hàng.

Cách đây 1 tháng, các ô đất khu C, D dự án Geleximco có giá dưới 40 triệu đồng/m2, nay đều trở lại phong độ trên 50 triệu đồng/m2. Các khu Xuân Phương Viglacera có giá tới 70 - 75 triệu đồng/m2 và được nhiều người săn lùng. Tuy vậy, theo các môi giới, thời điểm này, người mua chủ yếu là dân lướt sóng bất động sản chứ ở mức giá như hiện nay, nhập hàng để ôm, e hơi mạo hiểm vì mỗi ô đất đã tăng giá tới cả tỷ đồng. Cũng dân trong nghề chia sẻ, đợt sóng vừa qua của đất Vân Canh có bàn tay đạo diễn của chính những tay buôn đất, chứ không phải xuất phát từ nhu cầu thực của người dân.

Tìm nguồn cung đất nền hàng hiệu

Quy hoạch chung Thủ đô đã được phê duyệt, nhưng tiến độ rà soát lại quy hoạch các dự án vẫn có tốc độ rùa. Vì vậy, tìm kiếm nguồn cung các dự án có hàng liền kề, biệt thự sát Hà Nội (có thể ở được) không dễ, điểm lại số dự án chỉ có trên đầu ngón tay. Dự án Bắc An Khánh đã hoàn tất bán giai đoạn 1 từ năm 2009, đang thực hiện các thủ tục thiết kế nhà ở liền kề, biệt thự giai đoạn 2. Số lượng thửa đất đất trong giai đoạn này ước gấp 3 lần so với giai đoạn 1 và giá cũng "khét" hơn: khoảng 3.300 USD/m2, nếu khách hàng chấp nhận mua kèm nhà chung cư thì giá mềm hơn, khoảng 55 triệu đồng/m2. Hiện chủ đầu tư đang nhận đặt cọc quyền mua các ô đất.

Dự án Bắc Quốc lộ 32 cũng đang triển khai bán hàng năm 2012, nhưng tiến độ bán rất nhỏ giọt. Mỗi ô đất tại đây có diện tích rộng, thấp nhất cũng 220 m2, giá bán trên 50 triệu đồng/m2. Dù thị trường ảm đạm, chủ đầu tư cũng nhất định không giảm giá và ồ ạt ra hàng. Trên thị trường thứ cấp, có những ô đất tại dự án này được đẩy lên tới 60 triệu đồng/m2, cao hơn cả dịp sốt đất cuối năm ngoái.

Tại những dự án khu vực Xuân Phương, hàng giá gốc cũng trở nên hiếm hoi, thậm chí có những dự án như khu nhà ở liền kề của Tổng cục 5, người mua, người bán chỉ dựa mỗi vào tờ phiếu thu tiền nhòe nhoẹt chữ, không hề có hồ sơ dự án. Tại dự án Xuân Phương 2 do Công ty An Hưng làm chủ đầu tư, người mua cũng chỉ có mỗi hợp đồng góp vốn, dự án này hiện chưa có quy hoạch 1/500.

Dân môi giới chuyên nghiệp khuyên khách ruột, giá rẻ hấp dẫn nhưng chỉ nên ôm hàng có quy hoạch 1/500 và quyết định cho phép đầu tư dự án. Những khu đất tù mù về tính pháp lý, sở hữu, nhất định không nên ham rẻ để rước lo vào người. Trên thực tế, đã có ô đất tại Xuân Phương điều chỉnh quy hoạch từ 80 m2 xuống 60m2, khách hàng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì đã mua bán giấy tờ góp vốn qua nhiều chủ.

Thị trường đất nền Hà Nội sẽ còn bị làm giá chừng nào nguồn cung vẫn khan hiếm và các chủ đầu tư quyết ém hàng chờ thời.

Theo Kiên Hùng (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.