BĐS tại TP.HCM còn tồn kho nhiều, góp phần làm nợ xấu tăng cao.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện thị trường BĐS thành phố đang tồn kho khoảng 10.100 căn hộ chung cư, 1.000 căn nhà thấp tầng, 19.000 m² văn phòng và trung tâm thương mại. Đồng thời, trong tổng số 1.166 dự án BĐS đã được phê duyệt trên địa bàn, chỉ có 195 dự án đã hoàn thành (chiếm 16,72%), 815 dự án đang triển khai, 122 dự án chưa triển khai và 14 dự án đã tạm ngừng xây dựng.
Hiện nay, giá BĐS đang giảm sâu, thậm chí có nơi giá bán đã giảm đến 30%, có công ty chấp nhận chịu lỗ vẫn không bán được hàng. Ngoài ra, tổng dư nợ tại hệ thống ngân hàng có liên quan đến BĐS cũng đã lên tới 1 triệu tỉ đồng, chiếm 57% tổng dư nợ cả nước. Tại TP.HCM, nhiều DN có dư nợ lớn, nhiều khoản vay đã trở thành nợ xấu cộng với lãi vay cao đang là gánh nặng vượt quá sức chịu đựng của DN.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định, thị trường BĐS TP.HCM đang trong giai đoạn khó khăn, dù giá nhà đã giảm khá mạnh nhưng thanh khoản vẫn rất thấp. Ước tính đến quý III/2012, doanh thu của các DN BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán bình quân đã giảm 20-25%, trong khi lợi nhuận sụt giảm tới 35-40% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường BĐS gặp khó khăn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế cả nước, trong đó ảnh hưởng lớn đến hệ thống ngân hàng thương mại và các ngành phụ trợ như vật liệu xây dựng, trang trí nội thất…
Nguyên nhân khiến thị trường BĐS khó khăn là do chi phí đất tăng quá cao, trong đó nhiều khu vực tăng giá là do dựa trên nhu cầu đầu cơ chứ không phải theo quy luật giá trị và hiệu quả đầu tư sử dụng. Ngoài ra, nhiều DN thiếu chiến lược dài hạn, tài chính hạn hẹp, không đầu tư đúng tiêu chuẩn về chất lượng xây dựng và không gian sinh sống. Do vậy, sản phẩm không thu hút khách hàng.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong giai đoạn cuối năm 2012, đầu năm 2013, thị trường BĐS vẫn còn gặp khó khăn, sức tiêu thụ thấp. Nguồn vốn cho thị trường sẽ còn hạn chế do nhà đầu tư cá nhân có tâm lý chờ giá giảm, nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán suy thoái, vốn ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc và do chính sách tiền tệ của Chính phủ còn thận trọng.
Dự đoán, đến quý III/2013, thị trường BĐS tại TP.HCM sẽ từng bước phục hồi, đặc biệt là các dự án căn hộ ở gần khu vực trung tâm có hạ tầng tốt, dịch vụ khá đầy đủ, giá cả hợp lý, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu mua để ở và mua để đầu tư khai thác. Do vậy, sẽ xuất hiện hiệu ứng mua để lựa được căn hộ phù hợp vị trí đẹp và từng bước phục hồi niềm tin đầu tư BĐS của người dân.
Tuy nhiên dự báo vẫn chỉ là dự báo! Quan trọng hơn cả là niềm tin của các nhà đầu tư cũng như người dân phục hồi đến đâu sẽ là một yếu tố lớn tác động đến sự hồi phục của thị trường BĐS thời gian tới.
Ước tính đến quý III/2012, doanh thu của các DN BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán bình quân đã giảm 20-25%, trong khi lợi nhuận sụt giảm tới 35-40% so với cùng kỳ năm trước.