Những tờ lịch cuối cùng của năm 2013 đang dần được xé bỏ. Tổng kết lại, có lẽ năm nay là một năm kỷ lục của những quyết sách hỗ trợ thị trường bất động sản được ban hành.
Đồng thời, cũng là năm chứng kiến nhiều nhất những quan điểm trái chiều trên thị trường. Từ cuộc chiến ngôn luận về việc cứu hay không cứu thị trường giữa TS. Alan Phan và phần còn lại, đến những quan điểm về sự đóng băng hay dần hồi phục.
Đến tận tháng cuối năm nay, những tranh cãi về sự đóng hay rã băng vẫn còn dai dẳng. Và ai cũng có cái lý của mình!
Đại diện cho quan điểm “bi quan một cách xuyên suốt” là ông Nguyễn Văn Đực đến từ Công ty Đất Lành kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM. Theo ông Đực thì thị trường hiện vẫn rất mờ mịt, 95% dự án đắp chiếu và chỉ có 5% hồi phục...
Cổ vũ cho tâm thế ấy là những dòng tít lớn về sự bất động của thị trường trên các tờ báo chính thống và có uy tín trong xã hội. Cơn cớ để bi quan thì có nhiều: các chính sách giải cứu chưa điểm đúng huyệt, muốn chia nhỏ căn hộ cho dễ bán thì chưa thể làm, gói hỗ trợ hướng vào việc xây mới mà không tập trung giải quyết hàng tồn, thậm chí còn tắc tỵ ở cửa nhà băng…
Theo các quan điểm này thì kể cả khi các chính sách đang ngấm dần, nhưng “băng dày cả thước không phải vì cái lạnh một ngày”, nên đương nhiên, để cả thước băng tan cũng không thể chỉ bằng một vài mồi lửa nhỏ.
Còn nhớ, năm 2011, TTCK cũng dấy lên cuộc tranh luận về sự hồi phục hay chưa hồi phục giống như thị trường bất động sản bây giờ. Một nhà kinh tế còn nói đại ý rằng, nói thị trường hồi phục hay sắp hồi phục có khi còn đẩy nhiều người vào "chỗ chết"…
Có lẽ đó cũng là ý kiến của những người theo “trường phái bi quan” trên thị trường bất động sản hiện nay. Rằng không quan trọng là thị trường cần gì hay chủ đầu tư bất động sản muốn gì, mà là thị trường đang có gì và đem lại cơ hội gì cho nhà đầu tư!?
Không quá bi quan về cơ hội thị trường trong tương lai, nhưng trao đổi với người viết, ông Trần Như Trung, Phó giám đốc Savills Hà Nội cũng rất không thích cụm từ “vực dậy niềm tin” để tạo thanh khoản thị trường. Ông Trung cho rằng, niềm tin chỉ là kết quả, chứ không phải nguyên nhân tạo ra các cơ hội, các giao dịch thành công. Coi khó khăn như một con sông sâu, ông Trung ví von, năm 2012, “vận động viên” bất động sản mới chới với ở giữa dòng, nhưng vẫn còn sức để vẫy vùng. Sang năm nay đã gần bờ hơn, đã nhìn thấy đích đến, nhưng vì bơi lâu quá, nên đã và sẽ còn nhiều người… chuột rút!
Tuy nhiên, cái tít báo “bất động sản… bất động” vẫn luôn đúng từ vài năm nay. Đồng thời, việc liệt kê vài (hoặc vài mươi) dự án bất động sản trùm mền ở bất cứ đô thị lớn nào là việc làm dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhưng những người lạc quan không phải không có lý và họ cũng không nói suông.
Dẫu phát biểu “lý thuyết” như ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Đất Xanh, rằng “khủng hoảng luôn tạo ra cơ hội”; hay thái độ lạc quan một cách thận trọng của ông Hoàng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tấc Đất Tấc Vàng, khi nhìn nhận chỉ có mỗi giá bất động sản rẻ đi trong rổ tính lạm phát… Điều quan trọng là họ đều chứng minh thái độ lạc quan bằng hành động của chính doanh nghiệp mình trong việc khởi công, khánh thành và cả mua lại hàng loạt dự án như trường hợp của Đất Xanh, Hưng Thịnh, Him Lam, FLC…
Đã có một số chủ đầu tư như Đất Xanh, sự “càn lướt” đã đem lại cho họ kết quả với lợi nhuận 9 tháng năm nay tăng 43% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ vượt xa kế hoạch năm. Chính vì vậy, không thể cho rằng, họ đang “ngồi” hô xung phong để đẩy người khác vào chỗ chết!
Vậy thị trường hiện tại đang có gì?
Nói như trải nghiệm của ông Trần Như Trung sau nhiều đợt tư vấn bán hàng gần đây là giao dịch thì còn hạn chế, nhưng độ quan tâm của khách hàng đã tăng lên nhiều so với vài quý trước.
Có thể có sự sôi động ở một vài dự án, một vài khu vực có lợi thế đặc thù, nhưng nhìn chung, người mua nhà vẫn đang “ném đá dò đường”...
Đó là một cái nhìn trung dung, nhưng sòng phẳng. Và có lẽ, với những nền tảng mà thị trường bất động sản đang có, chỉ cần một sự quan tâm như vậy của khách hàng cũng đã là quý lắm!