Dự án chợ Quang Minh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt năm 2004, với tổng diện tích 18.500m2, xây dựng trên địa bàn xứ đồng Sóc, thôn Gia Thượng, xã Quang Minh (nay là thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội). Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 5-2005, tổng kinh phí xây dựng chợ là 18,294 tỷ đồng, UBND thị trấn Quang Minh được giao làm chủ đầu tư. Thế nhưng, sau khi hoàn thiện, dự án chợ không phát huy hiệu quả và đang trong tình trạng bỏ hoang.

Tìm hiểu, được biết sau hai đợt tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng lâu dài ki ốt phố chợ (tháng 9-2005 và tháng 5-2007), 76 ki ốt đã được bán cho các hộ kinh doanh với mức giá từ 170,7 triệu đồng đến 415 triệu đồng/ki ốt. Nguồn vốn thu từ bán đấu giá ki ốt được sử dụng đầu tư xây dựng chợ. Theo quy định, mỗi ki ốt có diện tích 63m2, 1 tầng, hộ kinh doanh được sử dụng lâu dài, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhưng không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Tháng 9-2009, chợ Quang Minh chính thức được khai trương, đưa vào sử dụng, với hơn 400 hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vài tháng sau đó, chợ thưa vắng dần. Từ đầu năm 2010 đến nay, hoạt động kinh doanh tại chợ Quang Minh tê liệt.

Ông Lê Văn Hoan, Chủ tịch UBND thị trấn Quang Minh lý giải, nguyên nhân chợ hoạt động không hiệu quả do các ki ốt không được xử lý chống nóng phần mái, tường bị ẩm ướt, không bảo đảm cho người và hàng hóa nên không khuyến khích các hộ đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, địa bàn thị trấn có siêu thị Mê Linh Plaza, Big C và 4 chợ tự phát họp trong khu dân cư cùng một số chợ ở các địa phương lân cận, dẫn đến tình trạng chợ Quang Minh vắng khách, hàng hóa ế ẩm, do đó đa số hộ kinh doanh đã bỏ chợ…

Thực tế tại chợ Quang Minh cho thấy, chợ trông hoang tàn, cơ sở hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng. Theo thiết kế, phần móng và tường tiếp giáp giữa các ki ốt độc lập, tách rời nhau, giữa các bức tường có khe nhỏ nên hiện nay nhiều bức tường bị thấm nước, luôn trong tình trạng ẩm ướt, phủ rêu xanh, bong tróc lớp vữa trát, trần nhà bị nứt, dột. Vỉa hè, hệ thống thoát nước thải xập xệ, vỡ nham nhở. Trong số 76 ki ốt, thì chỉ còn khoảng 20 hộ mở cửa hàng kinh doanh, số căn còn lại nhiều hộ đã tự ý sửa chữa, xây thêm tầng để sử dụng làm nhà ở hoặc khóa cửa bỏ không…

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: Chợ Quang Minh là chợ hạng 2. Đầu năm 2012, UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn huyện giai đoạn 2012-2015, từng bước chuyển đổi từ tổ quản lý chợ sang mô hình doanh nghiệp hợp tác xã quản lý, kinh doanh - khai thác chợ. Tuy nhiên, quá trình khảo sát thực tế tại chợ Quang Minh, có 76 ki ốt đã giao dài hạn đến hộ kinh doanh nên khó thực hiện chuyển đổi, do đó UBND huyện tiếp tục giao UBND thị trấn Quang Minh quản lý chợ. Đối với những trường hợp sử dụng ki ốt tại chợ không đúng mục đích, UBND huyện chỉ đạo thị trấn kiểm tra, xử lý dứt điểm…

Rõ ràng, hoạt động kinh doanh tại chợ Quang Minh không hiệu quả. Khi các hộ kinh doanh tự ý sửa chữa, xây thêm tầng, biến ki ốt phố chợ thành nhà ở, UBND thị trấn mới chỉ lập biên bản 26 trường hợp vi phạm và ra quyết định xử lý cưỡng chế 1 trường hợp. Thế nhưng, UBND huyện Mê Linh vẫn tiếp tục giao UBND thị trấn "có kế hoạch đưa chợ vào kinh doanh hiệu quả hơn"(?). Trong khi ông Chủ tịch UBND thị trấn thừa nhận "không thể thực hiện được chỉ đạo của UBND huyện...". Trước tình trạng chợ Quang Minh bị bỏ hoang nhiều năm, gây thiệt thòi cho các hộ kinh doanh và lãng phí hàng chục tỷ đồng tiền xây chợ, đến bao giờ UBND huyện Mê Linh, thị trấn Quang Minh mới xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm và có giải pháp đưa chợ vào hoạt động?
Trung Nguyên (ANTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.