Tài sản số – Từ khái niệm đến thực tiễn thế chấp toàn cầu
Tại các quốc gia như EU (MiCA), Mỹ (UCC), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều đưa ra định nghĩa cụ thể về tài sản số. Các định nghĩa tập trung vào tính chất điện tử, khả năng giao dịch, và mục đích sử dụng như thanh toán, đầu tư, quyền sở hữu.
Tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa có một định nghĩa nào liên quan đến tài sản số, mà mới có định nghĩa về tài sản nói chung. Tài sản theo pháp luật Việt Nam được quy định tại điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS) theo đó: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Việc thế chấp các khoản vay bằng tài sản số là một vấn đề còn tương đối mới mẻ nhưng đây là một xu thế không thể đảo ngược trong thời đại kinh tế số. Với sự bùng nổ của kỹ thuật số, nhiều nền tảng cấp tín dụng phi tập trung được bảo đảm bởi NFT không ngừng gia tăng.
Thật vậy, việc nắm giữ một NFT cho phép người vay thực hiện một giao dịch vay tiền mà không cần phải thực hiện các thủ tục phức tạp tại ngân hàng cũng như không phải xuất trình bất kỳ giấy tờ tùy thân nào.
Cho vay thế chấp bằng tài sản số rõ ràng tiện lợi và tương đối an toàn cho các bên. Bởi lẽ không phải làm các thủ tục phức tạp như các khoản vay truyền thống. Ngay như việc xử lý tài sản bảo đảm cũng được thực hiện trên môi trường số và hoàn toàn tự động giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí quản lý.
Hàm ý với Việt Nam
Từ thực tế triển khai tại các quốc gia, tổ chức quốc, Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm để xây dựng khung pháp lý phù hợp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo an toàn tài chính và bảo vệ người tiêu dùng theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Định nghĩa về tài sản theo BLDS như vậy chưa đủ để công nhận tài sản số. Vì vậy cần bổ sung một định nghĩa trung lập về công nghệ để phù hợp với sự phát triển tương lai. Chúng tôi cho rằng cần bổ sung điểm 1 điều 105 BLDS theo hướng sau: “1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản và bản ghi điện tử có giá trị, có thể kiểm soát, giao dịch hoặc sử dụng cho thanh toán, đầu tư”.
Ngoài ra cần có các quy định cụ thể để phân loại tài sản số (tiền mã hóa, token chứng khoán, NFT, token tiện ích) để áp dụng quy định phù hợp, tránh nhầm lẫn giữa tài sản số tài chính và phi tài chính.
Việt Nam nên nghiên cứu ban hành luật hoặc Nghị định riêng về tài sản số, quy định rõ trách nhiệm của các bên liên quan như: nhà phát hành, sàn giao dịch, nhà đầu tư và yêu cầu cấp phép hoạt động. Mặt khác tăng cường giám sát chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, yêu cầu sàn giao dịch đăng ký với cơ quan quản lý.
Ngoài ra công khai thông tin về các rủi ro, phí giao dịch, và tiêu thụ năng lượng của các dự án tài sản số để bảo vệ người tiêu dùng và môi trường; Phát triển cơ chế pháp lý cho hợp đồng thông minh, đảm bảo tính ràng buộc pháp lý khi sử dụng trong thế chấp tài sản số; Cho phép thế chấp tài sản số trong giao dịch bất động sản, giảm rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài và tối ưu hóa thuế…
Trong giai đoạn trước mắt có thể ban hành quy chế thử nghiệm sandbox cho phép một số ngân hàng hoặc tổ chức tài chính thí điểm cho vay thế chấp bằng tài sản số trong 3-5 năm; Đánh giá kết quả thí điểm để điều chỉnh khung pháp lý, đảm bảo cân bằng giữa đổi mới và kiểm soát rủi ro;
Ưu tiên các tài sản số có tính thanh khoản cao trong giai đoạn thử nghiệm; xem xét thành lập cơ quan chuyên trách giám sát thị trường tài sản số, đảm bảo tuân thủ quy định về vốn, quản trị rủi ro, và chống rửa tiền. Một trong những nội dung cần triển khai chương trình giáo dục người dân về rủi ro của tài sản số và cách sử dụng an toàn các nền tảng thế chấp số; xây dựng hệ thống cảnh báo và hỗ trợ pháp lý cho nhà đầu tư gặp rủi ro trong giao dịch tài sản số.
Tài sản số đã trở thành một xu thế tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu, mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức về mặt pháp lý và quản lý rủi ro. Việc thế chấp khoản vay bằng tài sản số, đặc biệt thông qua các nền tảng DeFi và NFT, đã chứng minh tiềm năng lớn trong việc cách mạng hóa ngành tài chính truyền thống. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các quốc gia cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới và bảo vệ người dùng.
Đối với Việt Nam, bài học từ các nước tiên tiến như EU, Mỹ hay Singapore cho thấy tầm quan trọng của việc sớm công nhận tài sản số, phân loại rõ ràng và thiết lập cơ chế giám sát phù hợp. Đồng thời, việc thí điểm (sandbox) các mô hình thế chấp bằng tài sản số và nâng cao nhận thức cộng đồng sẽ là những bước đi cần thiết để hội nhập với xu hướng tài chính số toàn cầu.
-
Điều kiện để được thế chấp nhà ở vay vốn ngân hàng năm 2025?
Tôi đang có nhu cầu vay vốn để khởi nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nên cần thế chấp căn nhà đang ở để vay vốn ngân hàng.
-
Ngân hàng Nhà nước đề xuất tài sản thế chấp ngân hàng không bị kê biên trong quá trình thi hành án
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến việc kê biên tài sản bảo đảm. NHNN cho rằng, trong thực tế, nhiều trường hợp tài sản bảo đảm bị kê biên để thi hành án khiến ngân hàng gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản và thu hồi nợ xấu. Nếu quy định này được thông qua, các tổ chức tín dụng sẽ có cơ chế bảo vệ tài sản thế chấp tốt hơn, từ đó đảm bảo an toàn cho hoạt động cho vay.
-
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, KH&CN có quy định về tài sản số trong quý 2
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Khoa học và Công nghệ xây dựng chính sách, quy định về tài sản số, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong quý 2 năm nay.







