09/01/2017 1:21 PM
Lãi suất đang được coi như bài toán “hóc búa” nhất đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh áp lực tăng luôn “chực chờ”. Năm 2017, cơ quan này đặt mục tiêu phấn đấu giữ lãi suất ổn định như năm 2016. Nhưng làm sao để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN phù hợp diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng VIB
Lãi suất đang được coi như bài toán “hóc búa” nhất đặt ra cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh áp lực tăng luôn “chực chờ”. Năm 2017, cơ quan này đặt mục tiêu phấn đấu giữ lãi suất ổn định như năm 2016.
Nhưng làm sao để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN phù hợp diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế.
Áp lực tăng lớn
Thời điểm cuối tháng 12-2016 đến đầu tháng 1-2017, thị trường ghi nhận động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) với mức tăng từ 0,1 đến 0,3%/năm ở một số kỳ hạn, cùng với nhiều chương trình khuyến mại tặng quà.
Cụ thể, Ngân hàng Sacombank tăng lãi suất kỳ hạn 2 tháng và 6 tháng với mức tăng từ 0,1 đến 0,2%/năm, theo đó, lãi suất kỳ hạn 2 tháng từ mức 4,9%/năm lên 5,1%/năm, kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng từ mức 5,9%/năm tăng lên 6%/năm. Ngân hàng VPBank cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng từ 4,9% lên 5,2%/năm; kỳ hạn 12 và 13 tháng từ mức 6,5% lên 6,9%/năm. Eximbank, Techcombank, TPBank cũng tăng thêm lãi suất 0,1%-0,3%/năm ở một số kỳ hạn…
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc tăng lãi suất huy động có nhiều nguyên nhân. Một phần, nó phản ánh tình trạng thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối năm đã bớt dư thừa hơn so với trước đó.
Thời điểm Tết Nguyên đán là dịp nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và nhu cầu chi tiêu của người dân tăng cao, tín dụng tăng tốc mạnh mẽ khiến cán cân vốn có xu hướng nghiêng về phía cầu. Mặt khác, đây cũng là lúc để các ngân hàng tăng cường huy động vốn nhằm chuẩn bị nguồn sang năm 2017 khi có hạn mức tín dụng mới, sẽ kịp thời triển khai cho vay.
Đặc biệt, với việc thực hiện quy định của NHNN áp dụng từ đầu năm 2017 khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ mức 60% xuống 50%, cho nên các ngân hàng cũng cần phải tăng huy động nhằm cơ cấu lại nguồn vốn… Đó là những lý do vì sao cứ gần Tết Nguyên đán, các NHTM thường tăng lãi suất hoặc khuyến mại tiền gửi nhằm thu hút vốn để cân đối dòng tiền ra vào, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng.
Việc tăng lãi suất huy động chỉ diễn ra tại một số NHTM và không phải là xu hướng phổ biến. Tuy nhiên, nó cũng mang lại lo lắng, cho dù là nhỏ, đối với lãi suất cho vay.
Anh Trần Chung Công, hiện đang có dư nợ vay tại một NHTM cổ phần chia sẻ: “Cứ nghe tin thấy một số ngân hàng tăng lãi suất huy động là lại thắc thỏm không biết lãi suất cho vay có điều chỉnh gì không. Mỗi lúc băn khoăn như vậy, luôn phải gọi điện cho cán bộ tín dụng và khi nghe trả lời ngân hàng chưa có chính sách điều chỉnh gì với các khoản vay thì tôi mới yên tâm”.
Chưa kể, những biến động trên thị trường tài chính quốc tế vừa qua gây tác động mạnh mẽ lên tỷ giá, cũng trở thành một áp lực tác động lên lãi suất. So với đầu năm 2016, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 1,1 - 1,2%. Khi đồng nội tệ mất giá so với USD và áp lực tăng lãi suất USD là rất lớn, thì khả năng lãi suất đồng VND tăng cũng không hề nhỏ.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, áp lực tăng lãi suất USD sẽ nhiều hơn khi năm 2017, FED tiếp tục điều chỉnh lãi suất, cộng với lãi suất cho vay liên ngân hàng tăng sẽ tác động nhất định đối với lãi suất trên thị trường 1.
Ghìm “cương” lãi suất
Những áp lực lên lãi suất dường như đang trở thành thách thức cho mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất ổn định của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù chịu sức ép tăng nhưng khả năng giữ ổn định lãi suất vẫn có thể thực hiện được nếu NHNN có chính sách điều tiết tiền tệ hợp lý.
Ngoài ra, theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các Tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) vừa mới hoàn thành cũng cho thấy, các TCTD tỏ ra khá lạc quan về kết quả đạt được trong năm 2016 và vững tin vào những bước phát triển mới trong năm 2017.
Theo đó, mặt bằng lãi suất được hầu hết các TCTD kỳ vọng sẽ ổn định trong năm 2017. Các TCTD tiếp tục lạc quan về khả năng thu hút nguồn vốn huy động từ nền kinh tế trong năm 2017 trước những dự báo về một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng cao hơn năm trước. Đồng tiền ổn định và lạm phát nằm trong ngưỡng an toàn sẽ hỗ trợ thêm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Đức Long cho biết, năm 2016, mặc dù có áp lực tăng nhưng với việc thực hiện linh hoạt các giải pháp của NHNN, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định, một số TCTD giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.
Mặt bằng lãi suất huy động sau khi tăng 0,2 - 0,3%/năm trong ba tháng đầu năm thì từ tháng 4 đã ổn định, đặc biệt giữa tháng 4 và từ cuối tháng 9-2016, một số TCTD đã giảm 0,3 - 0,5%/năm lãi suất huy động, giảm khoảng 0,5 - 1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
“Lãi suất cho vay hiện phổ biến khoảng 6 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm”, Phó Vụ trưởng Nguyễn Đức Long cho biết thêm.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, định hướng trong năm 2017, NHNN tiếp tục mục tiêu phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016. Cơ quan này sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác thống kê, dự báo, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để chủ động phân tích tình hình, dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ và triển khai đồng bộ, linh hoạt các công cụ CSTT nhằm ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm thanh khoản hệ thống, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ phù hợp với các cân đối vĩ mô và mục tiêu CSTT.
Như vậy, có thể thấy, sau một thời gian dài giữ ổn định, sang năm 2017, nhiều yếu tố tác động khiến mặt bằng lãi suất được dự báo khó có thể giảm thêm, thậm chí, áp lực tăng là rất lớn.
Chính vì vậy, trước mục tiêu do chính NHNN đặt ra, cũng như trước yêu cầu của Chính phủ và sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, bài toán lãi suất có thể được xem như thách thức đầu tiên đặt ra cho hệ thống NH khi bước vào những ngày đầu của năm mới 2017.
Với chỉ đạo của Chính phủ, NHNN xác định đặt mục tiêu năm 2017 phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất như năm 2016, nếu có điều kiện sẽ giảm lãi suất cho vay đối với các đối tượng cụ thể.
Để đạt được mục tiêu này, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thông qua thị trường liên ngân hàng để làm sao qua kênh thị trường mở điều tiết lượng thanh khoản cũng như lãi suất hợp lý, giúp các TCTD nếu gặp khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận được nguồn vốn này mà không phải huy động lãi suất trên thị trường 1 làm tăng lãi suất huy động tiền gửi.
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu bản thân các TCTD phải cân đối cơ cấu nguồn vốn cũng như sử dụng vốn hợp lý; tiết kiệm chi phí hoạt động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay; đồng thời phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng nguồn dự phòng rủi ro này để xử lý nợ xấu...
Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN
Hồng Anh (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.