Doanh thu, tài sản cùng tăng
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép thành phẩm của cả nước trong tháng 9 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 23,4% so với tháng 8 và tăng 1,7% so với cùng kỳ 2021.
Trong khi đó, tiêu thụ thép các loại sau khi ghi nhận bật tăng trong tháng 8, thì đến tháng 9, bán hàng thép các loại quay đầu giảm gần 2 triệu tấn, giảm 7,2 % so với tháng trước và giảm gần 10% so với cùng kỳ.
Giá thép và sản lượng tiêu thụ cùng đi lên là động lực thúc đẩy doanh thu của nhiều doanh nghiệp thép trong quý 3.2022
Với mặt hàng thép xây dựng, sản lượng trong giai đoạn này đạt gần 1,1 triệu tấn, tăng 11,9% so với tháng 8 trước đó và tăng 47,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu thụ mặt hàng này đạt 920.248 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Sau 9 tháng, lượng thép thành phẩm sản xuất đạt 20,8 triệu tấn, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2021. Bán hàng thép các loại đạt 19,3 triệu tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá thép xây dựng trong tháng 9 trải qua 3 lần tăng liên tiếp lên khoảng 15,2-15,6 triệu đồng/tấn. Với việc điều chỉnh giá bán và nhu cầu mặt hàng thép xây dựng được cải thiện là động lực thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp thép.
Mùa báo cáo tài chính quý 3 cũng vừa bắt đầu, một số công ty có truyền thống công bố sớm đã lộ diện những kết quả ban đầu. Cũng giống như trong các quý trước, doanh thu của nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận có sự tăng trưởng đáng kể.
Đơn cử, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (Mã: TLH) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3.2022 với doanh thu đạt 1.159 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu của Thép Tiến Lên đạt 3.662 tỉ đồng, tăng 11,5%.
Doanh nghiệp này cho biết, doanh thu tăng trưởng mạnh trong giai đoạn này là nhờ sản lượng tiêu thụ thép tăng và chi phí bán hàng giảm. Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của Thép Tiến Lên đạt 4.685 tỉ đồng, tăng 490 tỉ đồng so với đầu năm.
Báo cáo tài chính quý 3 của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (Mã: SMC) cũng cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt gần 5.700 tỉ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Mức doanh thu thuần sau 9 tháng kinh doanh của Thép SMC đạt 18.948 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm sắt thép tăng mạnh tới 64% so với cùng kỳ là yếu tố kéo doanh thu của Thép SMC đi lên.
Tính tới cuối quý 3, tổng tài sản của Thép SMC tăng 5,7% so với đầu năm lên 9.515 tỉ đồng. Trong đó, tồn kho của công ty lên tới 2.283 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp thép khác chứng kiến doanh thu tăng mạnh trong giai đoạn này là CTCP Ống thép Việt Đức VG PIPE (Mã: VGS). Cụ thể, doanh thu trong quý 3 của doanh nghiệp này đạt 1.940 tỉ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Doanh thu sau 9 tháng cũng tăng tới 26%, lên mức 6.133 tỉ đồng
Tương tự, loạt công ty khác thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) là Thép Thủ Đức, Thép Vicasa, Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh cũng chứng kiến doanh thu tăng, tuy nhiên lợi nhuận lại âm, thậm chí thua lỗ.
Cụ thể, CTCP Thép Thủ Đức - VnSteel (Mã: TDS) ghi nhận doanh thu đạt hơn 412 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần trong quý 3 của Kim khí TP.HCM cũng tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 800 tỉ đồng.
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
Hoạt động tiêu thụ thép vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi do nhu cầu trong nước yếu và hơn nữa xuất khẩu giảm do giá cao hơn khu vực. Triển vọng kinh doanh ảm đạm đang thể hiện vào kết quả nhiều công ty thép.
Doanh thu tăng, nhiều doanh nghiệp vẫn báo lỗ
Tính đến thời điểm này, bức tranh kinh doanh quý 3.2022 của các doanh nghiệp ngành thép đang dần được hé lộ với những khoản lỗ lớn.
Đơn cử, Gang Thép Thái Nguyên mở đầu với kết quả lỗ đến 25 tỉ đồng trong quý vừa qua (cùng kỳ lãi 10 tỉ đồng). Kết quả này là do sản lượng tiêu thụ thấp hơn 21.895 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái dẫn đến doanh thu sụt giảm 15% về 2.600 tỉ đồng.
Thực tế, con số lỗ còn có thể cao hơn rất nhiều nhờ công ty không còn phải trích lập dự phòng chênh lệch tỉ giá cho dự án mở rộng, cũng như bất ngờ có khoản lợi nhuận khác (tiền bồi thường, tiền phạt...) gần 15 tỉ đồng.
Thép SMC cũng ghi nhận mức lỗ kỷ lục hơn 219 tỉ đồng trong quý 3, cùng kỳ năm ngoái lãi gần 129 tỉ đồng. Doanh nghiệp này cho biết, giá thép tăng cao dẫn đến doanh thu của công ty tăng. Tuy nhiên, do hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng do hàng hóa luân chuyển chậm, lãi suất vay tăng đã làm lợi nhuận gộp của công ty giảm mạnh.
Ba doanh nghiệp thép thành viên thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam cũng không khá hơn với mức lỗ hàng chục tỉ đồng.
Thép Vicasa lỗ ròng 22 tỉ đồng (cùng kỳ vẫn lãi 2 tỉ đồng) và là quý lỗ nặng nhất kể từ năm 2009. Điều này dẫn đến lợi nhuận lũy kế 9 tháng quay đầu về âm 12 tỉ đồng.
Doanh nghiệp cho biết, ngành thép trong thời gian qua chịu ảnh hưởng bởi lạm phát toàn cầu, cũng như tác động của việc siết tín dụng vào bất động sản làm giảm nhu cầu thép. Điều này kéo theo sản lượng tiêu thụ ít, hàng tồn kho giá cao và chi phí tài chính tăng nhanh đã dẫn tới kết quả ảm đạm trên.
Tương tự, do giá thép lao dốc và chi phí tài chính tăng mạnh khiến Thép Thủ Đức bị lỗ 22 tỉ đồng, mức thiệt hại lớn nhất kể từ khi cổ phần hóa.
Mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng Kim khí TP.HCM lại kinh doanh dưới giá vốn trong bối cảnh giá bán thép liên tục lao dốc thời gian qua khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này âm 1,8 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 29 tỉ đồng.
Giữa lúc thị trường thép không thuận lợi, Chứng khoán SSI cũng vừa hạ ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý 3 của Tập đoàn Hòa Phát xuống còn 2.100 tỉ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh cùng kỳ do giá bán thép giảm và giá than cốc đầu vào tăng cao, cùng một khoản lỗ chênh lệch tỉ giá.
Trên thực tế, ngành thép đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn của chu kỳ đi xuống, những bất ổn địa chính trị trên thế giới đi kèm với tình hình suy thoái toàn cầu khiến tình hình kinh doanh ngày càng thê thảm.
Mặc dù vậy, các chuyên gia kỳ vọng tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng đã qua. Quý 4 là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ.
Bên cạnh đó, đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm sẽ là động lực thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng cũng như nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng.
-
Liệu lạm phát và chính sách thắt chặt tiền tệ có làm giảm nhu cầu thép năm 2023?
Worldsteel cho rằng lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ và căng thẳng Nga - Ukraine sẽ làm lu mờ triển vọng ngành thép năm 2023. Theo đó, nhu cầu thép toàn cầu chỉ nhích 1% vào năm 2023 lên 1,81 tỷ tấn.
-
Công ty thép có cổ phiếu tăng trần 11 phiên: Kinh doanh thua lỗ, gặp khó với bài toán di dời nhà máy ra khỏi KCN lâu đời nhất Việt Nam
Tổng công ty Thép Việt Nam dự kiến đấu giá công khai 65% vốn sở hữu tại Thép Vicasa với giá thấp nhất 24.158 đồng/cổ phiếu.
-
Hòa Phát giữa áp lực thép giá rẻ Trung Quốc và kỳ vọng đột phá từ “cú đấm thép” 85.000 tỷ đồng
Giá thép suy yếu dưới tác động thị trường Trung Quốc cùng nguy cơ thuế nhập khẩu từ Mỹ tạo nên sức ép lớn cho Hòa Phát. Nhưng giữa vòng xoáy cạnh tranh toàn cầu, đà tăng trưởng từ nhu cầu thép trong nước và dự án Dung Quất 2 được kỳ vọng sẽ giúp doan...
-
Kỳ vọng gì với "game" thoái vốn Nhà nước tại Công ty thép 57 năm tuổi có trụ sở ở Đồng Nai?
Mặc dù tăng hơn 105% chỉ sau hai tuần, thị giá hiện tại của cổ phiếu Thép Vicasa vẫn thấp hơn 27% so với mức giá thoái vốn dự kiến.