Thêm một lần nữa, những cảnh báo về tốc độ sụt lún tại TP.HCM lại được các nhà quản lý lên tiếng. Lần này, đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ những nguy cơ.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Địa tin học thuộc Khu Công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM đang bị lún cục bộ với tốc độ trung bình trên dưới 1cm/năm.
Từ vài điểm nhỏ trên địa bàn bị biến dạng sụt lún, sau 20 năm tình trạng lún mặt đất đã lan rộng khắp TP.HCM, tác động xấu đến cơ sở hạ tầng và đời sống người dân. Đây cũng là nguyên nhân được cho là làm hạ thấp các mốc độ cao quốc gia trên địa bàn, ảnh hưởng lớn đến việc xác định cốt nền xây dựng, thiết kế và thi công các công trình chống ngập.
Thực tế cho thấy, không chỉ có TP.HCM, tại Hà Nội, nguy cơ này cũng đã được cảnh báo - dù mức cảnh báo thấp hơn. Nguyên nhân được chỉ ra là, do mực nước ngầm bị khai thác quá mức.
Phân tích của các chuyên gia tại TP.HCM cho biết, trong quá trình đô thị hóa, các quận mới và khu công nghiệp đều dùng nước ngầm như nguồn nước chính. Việc bê tông hóa bề mặt trong quá trình xây dựng đã làm tăng diện tích bề mặt không thấm, ngăn quá trình thấm từ trên xuống tầng chứa nước. Kết quả tính toán từ các nghiên cứu khác cho thấy tỷ lệ bê tông hóa đô thị và việc khai thác nước ngầm quá mức đã làm hạ mực nước dưới đất trung bình 2m mỗi năm.
Tính từ năm 1992 đến nay, nhiều khu vực trên địa bàn 17 quận, huyện ở TP.HCM đã bị lún từ 20 - 30cm, nhiều nơi lân cận các công trình lớn thi công trong thời gian này lún đến 50cm. Điều này giải thích vì sao ngày càng có nhiều khu vực ở TP.HCM bị ngập cục bộ khi triều cường.
Theo các chuyên gia, tầng đất đỡ đại bộ phận nhà từ 5 tầng trở xuống (thấp tầng) có móng nông, thuộc nền thiên nhiên nằm trên lớp vỏ đất sét yếu của TP.HCM và Hà Nội. Lớp đất này có chiều dày thay đổi từ 8 đến khoảng 15m từ mặt đất xuống, được nước ngầm đỡ lên với lực đẩy Ác-si-mét. Nay hút nước ngầm nhiều, làm chiều cao của lớp nước ngầm bị thấp xuống, mất đi lực đỡ, làm cho nền lún là quy luật tự nhiên. Nói một cách hình ảnh thì, loại nhà thấp tầng đang ở trên “một cái bè đang chìm”.
Bên cạnh đó, sự mất đi của hệ thống sông hồ tại các đô thị cũ cùng sự quá tải khi chồng lấn trên bề mặt những khối nhà cao tầng ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến các khu vực phố cũ lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng.
Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về tình trạng bê tông hóa. Song không phải khi nào những phản biện của họ cũng “lọt tai” nhà lãnh đạo. Và hệ quả là chỉ sau một trận mưa lớn là Hà Nội thành sông. Những đợt triều cường đang ngày càng khiến TP.HCM ngập sâu hơn.
Đã đến lúc cần tính đến những tác động xấu của sự phát triển thái quá trong các vùng lõi đô thị. Đặc biệt, cần hướng khôi phục và bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên (ao hồ, mặt đất…) để “trả lại” cho đất một phần nước ngầm mà chính con người đã lấy đi.
Chất tải lên các đô thị, khai thác cùng kiệt tài nguyên trong lòng đất… những điều đó đã và đang để lại những hệ quả xấu cho chính các đô thị - đó là tình trạng ngập lụt, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Cẩm Tú (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.