Ngày 28/4/2014 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 2969/VPCP-KTN về việc đầu tư xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái thị trấn Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ gửi Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo dừng ngay việc triển khai dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái tại thị trấn Thanh Thủy đồng thời tiến hành rà soát điều chỉnh dự án theo đúng quy định về đê điều, phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ… Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì thẩm định việc này, trình Thủ tướng Chính phủ.
Khu du lịch sinh thái tại thị trấn Thanh Thủy được nói đến trên chính là Khu Du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh trên bãi nổi La Phù, thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội do Cty CP Ao Vua có trụ sở tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì làm chủ đầu tư.
Đây được coi là một dự án trọng điểm của tỉnh Phú Thọ có diện tích lên đến 65ha, trong đó diện tích thuộc xã La Phù, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) 50ha, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì (Hà Nội) 15ha được triển khai giữa sông Đà.
Để được chấp thuận, ngoài sự đồng ý của tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hà Tây (cũ) chủ đầu tư cũng “tranh thủ” được ý kiến đồng thuận của nhiều đơn vị chuyên môn thuộc các ngành nông nghiệp, giao thông vốn có trách nhiệm bảo vệ dòng sông.
Từ năm 2007, sau khi Cty CP Ao Vua có văn bản xin lập quy hoạch khu du lịch tại bãi nổi xã La Phù, UBND tỉnh Hà Tây lúc bấy giờ đã “nhẹ nhàng” đẩy trách nhiệm bằng Văn bản số 2330/UBND-TH ngày 20/5/2008 cho UBND tỉnh Phú Thọ “đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét cấp Giấy chứng nhận đầu tư tổng thể…cho dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù, làm cơ sở để chủ đầu tư triển khai dự án”.
Theo đó, từ năm 2008 mọi quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt đầu tư, quy hoạch… liên quan đến dự án đều được UBND tỉnh Phú Thọ thực hiện.
Là đơn vị quản lý chuyên ngành về mặt đê điều, sau khi có văn bản xin ý kiến của tỉnh Phú Thọ, ngày 31/10/2007 Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT) cũng đã có văn bản “đồng ý việc lập quy hoạch sử dụng bãi bồi giữa sông Đà làm khu du lịch sinh thái”.
Một góc khu du lịch bãi nổi la Phù.
Không chỉ riêng Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão có văn bản chấp thuận sau khi có văn bản xin ý kiến của tỉnh Phú Thọ, mà Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) cũng đã có văn bản chấp thuận hoặc hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng đã ký quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Cừu cũng đã có văn bản “hướng dẫn” chủ đầu tư thực hiện thủ tục xây dựng cầu của khu du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù.
Trong quá trình triển khai dự án, dư luận đã rất bức xúc việc chủ đầu tư tiến hành nạo vét để nắn một phần dòng chảy của lòng sông Đà men theo bờ để chia tách khu du lịch với khu dân cư. Khi đó, phía Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết đã cùng chính quyền địa phương đình chỉ, lập biên bản việc nạo vét lòng sông trái phép của Cty CP Ao Vua.
Mặc dù vậy, việc xây dựng tại bãi nổi La Phù vẫn diễn ra khá suôn sẻ. Đến cuối tháng 4/2013, giai đoạn 1 dự án Khu du lịch sinh thái bãi nổi La Phù - Đảo Ngọc Xanh có nguồn vốn đầu tư 450 tỷ đồng (theo báo cáo của Chủ đầu tư) với các hạng mục như trung tâm nghỉ ngơi, tắm nước khoáng nóng, khách sạn 3 sao, sân ten-nít, khu công viên nước, nhà hàng ẩm thực, vui chơi giải trí cộng đồng… hoàn thành xây dựng, chính thức được khai trương.
Với vị trí địa lý thuận lợi về giao thông (cách Hà Nội khoảng 70km) và có nguồn nước khoáng nóng vô cùng quý giá...Khu du lịch sinh thái bãi nổi La Phù - Đảo Ngọc Xanh thu hút khá đông khách đến.
Vậy, vì sao dự án bị dừng?
Theo đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, dự án đã đầy đủ thủ tục, giấy tờ về san nền nhưng Cty CP Ao Vua đã xây dựng một số hạng mục khi chưa được phép của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, bãi nổi La Phù không còn nằm trong hành lang thoát lũ sông Đà nhưng về nguyên tắc thì đây vẫn là bãi sông. Theo quy định về đê điều và phòng chống lụt bão, muốn xây dựng công trình trên đó phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Trong khi đó, trên thực tế chủ đầu tư đã xây dựng nhiều hạng mục, hoàn tất giai đoạn 1 và đưa vào kinh doanh khai thác dù đến nay Cty CP Ao Vua vẫn chưa được cấp có thẩm quyền là Bộ NN&PTNT và Thủ tướng Chính phủ đồng ý, cấp phép xây dựng.
Ông Vũ Văn Tú, quyền Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ NN&PTNT), cho biết: Bộ NN&PTNT không quyết định được vấn đề này nên đã có văn bản báo cáo Thủ tướng.
Trong thời gian dự án triển khai, Bộ NN&PTNT đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục, quy trình pháp lý nhưng dự án vẫn cứ triển khai trước khi hoàn tất thủ tục.
Theo phản ánh của cơ quan chức năng, ngày 3/4/2014 tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh 12 học sinh của một trường THCS ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) đang chơi đùa trên đu quay thì hệ thống máy móc vận hành bị vỡ ti-ô thủy lực, khiến chiếc đu quay rơi tự do xuống đất. May mắn là không gây tử vong, nhưng
6 học sinh đã phải chuyển tới Bệnh viện Quân y 105 (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) để khám chữa.
Cũng theo phản ánh của người dân, mặc dù UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 2490/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 nêu rất rõ: “Giải pháp ký thuật san nền: Cao độ cốt khống chế xây dựng trung bình 18,5m (cao hơn 0,5m) so với cao trình mực nước báo động 3 tại La Phù)” và tại Báo cáo ký thuật của Viện quy hoạch thủy lợi tháng 8/2012 cũng chỉ rõ “chiều dài tuyến kè dự kiến khoảng 3.500m với cao trình tương đương với cao trình đỉnh đê”.
Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng chủ đầu tư đã chủ động hạ thấp xuống khoảng 0,6m khiến Khu du lịch sinh thái bãi nổi La Phù bằng mắt thường cũng cảm nhận được sự thấp hơn “cao trình đỉnh đê” cạnh đó.
Bên cạnh đó những vấn đề liên quan đến sử dụng nguồn nước nóng, xả thải…cũng đã và đang gây bức xúc dư luận.
Những sự việc trên đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục phản ánh khi có thêm những thông tin mới về dự án này.