09/10/2017 10:54 AM
Do bộc lộ hàng loạt khiếm khuyết và bất cập nên thời gian qua, nhiều dự án BOT giao thông chịu không ít “búa rìu” của dư luận xã hội. Và liệu sau nhiều sóng gió, các nhà đầu tư có quay lưng với hình thức đầu tư BOT?
Tiến hành đàm phán với nhà đầu tư để giảm giá vé qua trạm BOT là động thái tích cực nhằm khắc phục bất cập của dự án BOT. Ảnh: Lê Tiên
Không thể phủ nhận đóng góp của BOT
Ông Trần Kỳ Sơn, Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, những đóng góp của hình thức đầu tư BOT thời gian qua đối với phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận, nhất là trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Vì thế, trong đánh giá hình thức đầu tư này, cần cái nhìn đa chiều, tổng thể và công bằng hơn, không vì những khuyết tật mà loại bỏ hình thức đầu tư BOT, phủ nhận toàn bộ những ưu điểm, những đóng góp của các dự án BOT với sự phát triển hạ tầng giao thông thời gian qua. “Cái gì sai, cái gì bất cập thì cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, chứ đừng vì sợ sai, ngại khó mà không làm, vì thu hút đầu tư theo hình thức PPP, trong đó có dạng thức hợp đồng BOT vẫn là con đường tất yếu, là định hướng đúng đắn, chủ trương lớn của Nhà nước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một số chuyên gia cầu đường cho biết, việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện rà soát các trạm thu phí BOT, tiến hành đàm phán với nhà đầu tư để giảm giá vé BOT cũng như có chính sách miễn, giảm cho người dân địa phương sống trong địa phận dự án BOT cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc điều chỉnh và dần khắc phục các bất cập của dự án BOT, từng bước sửa sai cho hình thức đầu tư này. Các chuyên gia cũng cho rằng, cách làm này của cơ quan quản lý nhà nước là đúng đắn, nhiều dự án BOT đã được giải tỏa căng thẳng sau khi Bộ GTVT, chính quyền địa phương đã thống nhất với nhà đầu tư giảm giá vé, miễn phí qua lại cho người dân sống ở khu vực lân cận.
Trong các báo cáo đánh giá về hình thức đầu tư BOT, các kết luận thanh tra, kiểm tra về các dự án BOT, các cơ quan liên quan như Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước đều ghi nhận những ưu điểm của hình thức đầu tư BOT trong điều kiện nguồn vốn đầu tư công hạn hẹp, không đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng khẳng định tính cấp thiết và kịp thời của BOT trong việc thu hút và huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đất nước.
Nhà đầu tư sẽ không quay lưng với BOT!
Về quan ngại nhà đầu tư lo sợ và quay lưng với hình thức đầu tư BOT, ông Lương Ánh Dương, Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng của Tập đoàn Cienco4 khẳng định, nhà đầu tư sẽ không quay lưng với hình thức đầu tư này bởi vì đây là định hướng, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, được áp dụng nhiều trên thế giới và chứng tỏ được nhiều ưu điểm vượt trội.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện Tập đoàn Cienco4 là nhà đầu tư BOT của khá nhiều dự án BOT giao thông như: Dự án Quốc lộ 38 đoạn từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng; Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam Bến Thủy – tuyến tránh TP. Hà Tĩnh, đoạn Nghi Sơn – Cầu Giát; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới… Và trong thời gian qua, nhà đầu tư này cũng đối mặt với không ít áp lực của dư luận, người dân về giá phí, vị trí đặt trạm thu phí. Ông Dương cho rằng, trong thực thi các chính sách, nhà đầu tư mong muốn Nhà nước, các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương có sự nhất quán, đừng đẩy nhà đầu tư vào tình thế “bị đem con bỏ chợ”. Các vấn đề của BOT, dự án BOT nên được làm công khai, minh bạch và rõ ràng ngay từ đầu, trong quá trình thực hiện thì cần có trách nhiệm hơn với nhà đầu tư; khi xuất hiện các khó khăn, vướng mắc phát sinh cần phối hợp chặt chẽ để cùng nhà đầu tư, chính quyền địa phương giải quyết một cách thỏa đáng.
Còn ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thời gian qua khi phát hiện các bất cập của dự án BOT, Bộ GTVT cùng nhà đầu tư và chính quyền địa phương đều họp bàn và tiến đến thống nhất các giải pháp khắc phục. Trong một số trường hợp phải miễn giảm giá vé qua trạm thu phí, bản thân Bộ GTVT cũng không áp đặt các nhà đầu tư bằng mệnh lệnh hành chính, mà đều có sự hiệp thương, thỏa thuận đi đến thống nhất.
Bích Thảo (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.