GS Trần Thanh Vân đề nghị xem xét trách nhiệm nhà thầu thi công dự án, Ban quản lý dự án... trong việc làm chậm tiến độ dự án Tổ hợp không gian khoa học, không thực hiện các quyết định của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.

Nhà mô hình vũ trụ thuộc Tổ hợp không gian khoa học đang được xây dựng. Ảnh: Hoàng Trọng

Sáng 27.2, trao đổi với PV Thanh Niên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu khẳng định những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng giai đoạn 1 của dự án Tổ hợp không gian khoa học đã được tiến hành kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong đợt họp cuối năm 2017.

Công trình này phức tạp, các đơn vị thiết kế, đơn vị thi công, đơn vị quản lý cũng lần đầu tiên thực hiện dự án khoa học kiểu như vậy nên gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Trần Châu cũng cho rằng việc xây dựng giai đoạn 1 dự án xây dựng Tổ hợp không gian khoa học ở P.Ghềnh Ráng (TP.Quy Nhơn, Bình Định) chậm là đơn vị thi công thờ ơ, đơn vị tư vấn điều chỉnh dự án rất lâu, ban quản lý dự án lại chờ họp, xin ý kiến...

Tại nhà thầu?

Dự án Tổ hợp không gian khoa học ở P.Ghềnh Ráng có diện tích 3,8 ha, thiết kế gồm 3 bộ phận: Nhà mô hình vũ trụ, Bảo tàng khoa học và Đài quan sát thiên văn phổ thông. Thời gian thực hiện dự án dự kiến ban đầu từ năm 2015 - 2017. Cuối tháng 7.2015, giai đoạn 1 của Tổ hợp Không gian khoa học đã được khởi công, xây dựng gồm các hạng mục Nhà mô hình vũ trụ và khung vỏ công trình, với kinh phí đầu tư 171 tỉ đồng.

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam (đơn vị sáng lập và phát triển dự án), khi khởi công dự án này, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan đều thống nhất sẽ khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 7.2016. Tuy nhiên, trong năm 2017, việc xây dựng giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa hoàn thành và có thể trong năm 2018 cũng không xong.

Việc chậm trễ trong khâu xây dựng công trình của nhà thầu khiến Hội Gặp gỡ Việt Nam và các cơ quan chức năng chưa thể nhập, lắp đặt các thiết bị chính của nhà mô hình vũ trụ.

"Tổ hợp Không gian khoa học là một không gian khám phá khoa học dành cho trẻ em và công chúng, tăng cường đưa khoa học đến cùng đại chúng và khơi gợi niềm đam mê khoa học, sáng tạo của tuổi trẻ. Mặt khác, cùng với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành, Tổ hợp sẽ phát triển thành Khu Đô thị Khoa học và Giáo dục liên ngành tại Quy Hòa, góp phần xây dựng TP.Quy Nhơn thành điểm đến của khoa học và giáo dục đặc trưng ở Việt Nam", GS Trần Thanh Vân cho biết.

Ông Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Định (đơn vị chủ đầu tư dự án Tổ hợp không gian khoa học) cho biết đến ngày 25.2, các nhà thầu thi công xây dựng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính phần của giai đoạn 1, hiện chỉ còn lại các công việc thẩm mỹ của tường, áp gỗ, lắp đặt các thiết bị vệ sinh, thi công bổ sung mạng lan, lắp đặt ghế nội thất, trồng cây xanh, xây dựng nhà xe và tường rào…

UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu nhà thầu chính thi công dự án là Công ty TNHH công nghệ xây dựng Nam Ngân (Bình Định) tăng cường nhân lực để hoàn thành các công việc xây dựng công trình còn lại trong tháng 3.2018. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn chưa có động thái tăng cường nhân lực để xây dựng công trình.

“Công tác hoàn thiện kiến trúc mất rất nhiều thời gian nhưng nhà thầu bố trí rất ít nhân công để thực hiện, trung bình khoảng 35 người mỗi ngày.”, ông Lê Công Nhường cho biết.

Đại diện Công ty TNHH công nghệ xây dựng Nam Ngân thừa nhận đã thực hiện chậm tiến độ dự án, đưa ra giải thích là "đang vướng thủ tục về giá cả, thiết kế…"

Tại quyết định của lãnh đạo tỉnh như “nước đổ lá môn”?

Tại buổi họp với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, các sở, ngành và nhà thầu thi công dự án vào sáng 26.2, GS Trần Thanh Vân đề nghị xem xét trách nhiệm nhà thầu thi công dự án, Ban quản lý dự án Tổ hợp không gian khoa học và một số đơn vị liên quan đã thực hiện chậm tiến độ của dự án và không thực hiện các quyết định của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định.

“Anh Châu (ông Trần Châu - PV) đã ký quyết định rất nhiều lần, mà có ai ở đây thực hiện không? Quyết định của anh Châu yêu cầu 1.9.2017 là phải xong rồi, sau đó nhà thầu cũng bất cần, Ban quản lý cũng bất cần. Sau đó, anh Châu yêu cầu ngày 1.11.2017 cũng làm không xong, lại yêu cầu 1.1.2018 cũng không xong. Không thể xem quyết định của lãnh đạo tỉnh như nước đổ lá môn, làm như vậy thì sao công việc hoàn thành?”, GS Vân bức xúc.

Theo ông Nhường, Ban quản lý dự án là đơn vị trực tiếp quản lý và thực hiện dự án. Tuy nhiên, đây không phải là đơn vị quản lý dự án chuyên nghiệp nên đơn vị này chỉ quản lý dự án trong khuôn khổ chuyên môn. Đơn vị này cũng không đủ khả năng để quản lý, kiểm tra các thiết bị khoa học được nhập về.

“Trong giai đoạn 2 của dự án, Sở KH-CN tỉnh Bình Định sẽ xin chủ trương phân công một đơn vị quản lý phần xây dựng và một đơn vị quản lý phần thiết bị. Sở KH-CN không thể quản lý toàn bộ dự án cả về phần công nghệ và thiết bị được”, ông Nhường nói.

Ông Trần Châu (bìa phải) trò chuyện với GS Trần Thanh Vân (ở giữa). Ảnh: Hoàng Trọng

Theo GS Trần Thanh Vân, khâu quản lý dự án đang có "nhiều vấn đề" khiến thi công công trình bị chậm trễ.

GS Vân dẫn ra một ví dụ: Ban quản lý dự án có xin từ 2,2 đến 2,8 tỉ đồng để 80 cái ghế nội thất trong công trình nhà mô hình vũ trụ. Tuy nhiên, giá quá cao nên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định không chấp nhận.

“Chính tôi sau đó đã đi tìm cái hãng sản xuất mấy cái ghế đó để thuyết phục và họ đồng ý bán 85 cái ghế với giá chỉ 1 tỉ đồng. Họ đã báo giá từ tháng 3.2017 mà đến tháng 1.2018 mới ký được hợp đồng. Giá tiền đã có rồi, hãng sản xuất đồng ý rồi mà sao lâu vậy? Chuyện chỉ làm có 5 phút mà phải tốn 1 - 2 tháng để giải quyết, không hợp lý chút nào”, GS Vân nói.

Hoàng Trọng (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.