10/09/2020 3:35 PM
Sắp tới, Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) sẽ có thêm một số dịch vụ công thiết yếu được người dân, doanh nghiệp mong chờ. Đó là: Dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch; cấp giấy phép xây dựng; thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với thủ tục hành chính về đất đai; cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất.

Sáng 9/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính về việc thực hiện xây dựng, tích hợp dịch vụ cung cấp thông tin quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng và thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng DVCQG.

Khó, phức tạp cũng phải làm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết đây đều là những dịch vụ công thiết yếu được người dân, doanh nghiệp mong chờ. Đặc biệt dịch vụ cấp giấy phép xây dựng và cấp giấy chứng nhận, đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất có số lượng đối tượng thực hiện lớn, nằm trong số 20 loại dịch vụ được Liên Hợp Quốc đánh giá trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử.

"Đây cũng là những dịch vụ phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, nếu được triển khai hiệu quả thì vừa phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp; đồng thời nâng cao được chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của đất nước", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, đối với việc cung cấp thông tin quy hoạch, Bộ Xây dựng đã gấp rút triển khai, về cơ bản những văn bản pháp lý đã được ban hành; đã cập nhật và công khai thủ tục cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu xây dựng phần mềm triển khai và tích hợp dịch vụ công trực tuyến này trên Cổng DVCQG. Dự kiến tháng 11 sẽ chính thức vận hành phần mềm này.

Đối với cấp giấy phép xây dựng, các đơn vị của Bộ Xây dựng đã phối hợp khảo sát tại Hà Nội, sắp tới sẽ tiến hành khảo sát tại TPHCM, Quảng Ninh. Đồng thời Bộ cũng đang thực hiện tái cấu trúc quy trình cấp giấy phép xây dựng đến mức độ 4. Trước mắt, Bộ sẽ lựa chọn thực hiện thí điểm với cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ; sẽ thực hiện xây dựng hệ thống tập trung để triển khai toàn quốc. Dịch vụ này sẽ được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia để bảo đảm triển khai trên toàn quốc trên cơ sở đã có kết nối, tích hợp với Hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh của 63/63 địa phương.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bắc

Về thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với thủ tục hành chính về đất đai, theo ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP), hiện nay việc thanh toán này chưa được triển khai trực tuyến, người dân, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ công trong khi thực tế hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến được như các loại thuế, lệ phí trước bạ, nghĩa vụ tài chính khác.

Đó là bởi cơ quan Tài nguyên và Môi trường chưa công nhận kết quả giải quyết là chứng từ nộp nghĩa vụ tài chính (thuế, lệ phí trước bạ…) điện tử có ký số của ngân hàng hoặc trung gian thanh toán nên không thể thực hiện được các bước tiếp theo của thủ tục đất đai.

Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu của cơ quan thuế để cung cấp thông tin về thuế, lệ phí trước bạ trong thực hiện thủ tục đất đai với Cổng DCVQG cũng chưa được thực hiện để làm cơ sở tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng. Do đó, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với VPCP nghiên cứu triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng DVCQG.

Đối với dịch vụ cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, đây là dịch vụ phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị do đó đề nghị Bộ TN&MT sớm bắt tay nghiên cứu tái cấu trúc quy trình, triển khai xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục về đất đai, trước mắt có thể lựa chọn thí điểm thủ tục đăng ký biến động làm cơ sở nhân rộng.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đang hoàn thiện vấn đề thể chế cũng như phát triển hệ thống phần mềm. Tuy nhiên, Bộ cũng đang gặp khó khăn về sự liên thông giữa các cơ quan xử lý thủ tục về đất đai; thiếu cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai…

Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều dịch vụ công, tuy nhiên mới chỉ có 14 dịch vụ công được đưa lên Cổng DVCQG với số lượng hồ sơ chưa nhiều, do đó cần đẩy mạnh hơn nữa.

Ảnh: Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, thời gian qua, nhiều dịch vụ công khó hơn, phức tạp hơn cũng đã được đưa lên Cổng DVCQG như cấp giấy phép lái xe hay như việc chúng ta đã triển khai nhiều hợp phần trong phát triển Chính phủ điện tử ngay cả khi chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh quan điểm là không chờ đợi và làm giàu dần các dữ liệu; đồng thời mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường dù có khó khăn nhưng cần quyết tâm triển khai, không chờ cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và tận dụng những gì đã có để làm.

"Ngay cả việc thông tin quy hoạch các dự án, có thể ai đó rất ngại đưa lên, vì sợ bị bới móc thiếu sót nhưng đó là những thông tin chúng ta bắt buộc phải công khai, minh bạch trước người dân", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tái cấu trúc toàn bộ quy trình các dịch vụ trên, để có quy trình chuẩn, đồng thời có phần mềm dùng chung áp dụng cho 63 địa phương.

Đối với dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; cấp giấy chứng nhận và đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng cần lựa chọn một số địa phương làm điểm trước sau đó nhân rộng, như tại quận Long Biên (Hà Nội) là nơi ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng mong muốn với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành, tới tháng 11 có thể đưa các dịch vụ này lên Cổng DVCQG.

  • Các tỉnh phải công bố quy hoạch trên cổng thông tin quốc gia

    Các tỉnh phải công bố quy hoạch trên cổng thông tin quốc gia

    Gửi ý kiến tới Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo rà soát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã công bố để giảm thiểu tình trạng các dự án treo, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân. Công khai và cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng việc điều chỉnh, hủy bỏ quy hoạch treo để người dân biết và giám sát.

Hoàng Giang (Chính phủ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.