Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020. Dự thảo đưa ra 10 nội dung quan trọng cần tái cơ cấu, trong đó có việc tái cơ cấu thị trường tài chính, tập trung vào các tổ chức tín dụng và các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, mục tiêu trong 5 năm tới sẽ tiếp tục cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững và cắt giảm đáng kể số NHTM yếu kém. Kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%. Bên cạnh đó là đảm bảo 70% số ngân hàng thương mại thực hiện đầy đủ Basel II vào năm 2020.
Đáng chú ý, theo định hướng chính sách đến năm 2020, sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa các Ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước và giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại một số ngân hàng TMCP về mức trên 65%. Thực hiện cổ phần hóa Ngân hàng Agribank.
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý khác được Đề án nêu ra trong nhóm giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành ngân hàng là áp dụng biện pháp phá sản đối với các tổ chức tín dụng yếu kém mà việc phá sản không ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống.
Trước đó, theo tìm hiểu, tại thời điểm năm 2012, đại diện NHNN từng cho biết, trong lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam, NHNN có chương trình tiếp tục cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước. Tuy nhiên, riêng Agribank thì kiên quyết trong vòng 5 năm tới không đặt vấn đề cổ phần hóa.
Trong đề án riêng tái cấu trúc Agribank, NHNN muốn hướng ngân hàng này trở thành một trụ cột của phát triển nông nghiệp và nông thôn.
Agribank là Ngân hàng thương mại TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Đây là một trong những nhà băng lớn hàng đầu Việt Nam về quy mô với tổng tài sản khoảng 874.000 tỷ đồng, nguồn vốn đạt 825.000 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay nền kinh tế khoảng 678.000 tỷ đồng.
Ngoài Agribank, 3 ngân hàng khác cùng thuộc sở hữu Nhà nước hiện nay là CB Bank, OceanBank và GPBank. Các ngân hàng này đều được NHNN mua lại với giá 0 đồng.