Do đó, tại những khu vực xảy ra úng ngập cục bộ vừa qua, giá bất động sản (BĐS) vẫn bình ổn.
Giá bán ổn định
Anh Chử Đức Hiếu, trú tại phố Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, anh đang rao bán một lô đất sát với mặt đường Lê Trọng Tấn, gần với ngã tư Văn Phú - Quang Trung với giá 105 triệu đồng/m2. “Từ đầu năm 2019 đến nay, giá BĐS tại khu vực này không có dấu hiệu tăng nhưng với mức giá như hiện tại đã tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối năm 2017” - anh Hiếu cho hay.
Khu đô thị Lê Trọng Tấn – Gleximco. Ảnh: Công Hùng
Khảo sát tại một số khu vực lân cận với phố Lê Trọng Tấn, nhiều khu đô thị mới được thành lập như Lê Trọng Tấn – Gleximco, Nam Cường, Resco, Thăng Long Victory... đang giúp cho thị trường BĐS tại khu vực phía Tây Hà Nội trở nên nhộn nhịp. Anh Trần Văn Phát - một môi giới BĐS tại khu vực Lê Trọng Tấn cho biết, các sản phẩm BĐS tại khu vực này tương đối “hot” trong thời gian gần đây, ở tất cả các phân khúc từ căn hộ, biệt thự cho đến đất nền. Giá bán bình quân các sản phẩm, đặc biệt là đất nền có mức tăng trưởng từ 20 - 30% so với cuối năm 2017.
“Ở những vị trí mặt đường rộng 5m, giá bán khoảng 55 - 60 triệu đồng/m2; còn đối với các khu vực trong ngõ giá bán từ 30 - 35 triệu đồng/m2. Mức giá này đã ổn định trong khoảng nửa năm nay nhưng dự báo từ nay đến cuối năm, giá BĐS tại khu vực này sẽ tăng nhẹ” - anh Phát nhận định.
Qua tìm hiểu được biết, ngoài sản phẩm căn hộ, đất nền có mức tăng 20 - 30%, sản phẩm biệt thự dự án đã ghi nhận sự tăng trưởng gấp từ 2 - 3 lần so với thời điểm năm 2012 - 2013, ở mức từ 80 - 100 triệu đồng/m2, cá biệt có khu vực giá cao nhất là 150 triệu đồng/m2.
Tương tự, giá các sản phẩm BĐS tại khu vực gần với Đại lộ Thăng Long (thuộc địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội) cũng chứng kiến sự bình ổn về giá từ đầu năm đến nay, sau khi đã chứng kiến nhiều đợt tăng giá mạnh ở thời gian trước.
Theo đó, dọc tuyến Đại lộ Thăng Long giáp với khu Khu đô thị An Khánh, mức giá giao dịch khoảng 20 - 30 triệu đồng/m2, một số lô mặt đường của dự án mức giá ghi nhận ở mức 40 triệu đồng/m2.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, các giao dịch BĐS trên địa bàn huyện tương đối ổn định, không ghi nhận sự tăng trưởng đột biến về giá so với thời điểm trước, do các sản phẩm mới không có nhiều, trong khi các giao dịch đất nền sau nhiều lần tăng giá thì người mua đầu cơ cũng đã cẩn trọng hơn.
Cân nhắc kỹ khi mua
Những địa điểm gần với phố Lê Trọng Tấn (Hà Đông) hay Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức) đều là những điểm nóng về ngập lụt trong các đợt mưa lớn của Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết, tại các khu đô thị mới như Khu đô thị Bảo Sơn; khu vực trước cổng đô thị Nam An Khánh Sudico, khu đường gom Đại lộ Thăng Long... thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng khi có mưa lớn.
“Hạ tầng thoát nước tại khu vực này chưa thực sự đồng bộ. Đồng thời do có sự điều chỉnh lại quy hoạch sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, hạ tầng cũ có sự không đồng bộ với hạ tầng mới nên mỗi khi mưa lớn đã gây ra tình trạng ngập lụt” - ông Trường cho hay.
Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội còn tồn tại khoảng 18 điểm ngập úng trên các tuyến giao thông quan trọng và 170 điểm ngập úng nhỏ tại các ngõ, xóm; trong đó 13 điểm đen về ngập úng nằm tại trung tâm TP. Như vậy, tình trạng ngập úng vào mùa mưa nằm trải đều cả ở trung tâm và vùng ngoại thành.
Theo ông Nguyễn Anh Quê - chuyên gia về nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam), phần lớn người mua nhà, đất chỉ quan tâm đến vị trí, tiện ích hay hạ tầng giao thông đi lại, chưa thực sự chú tâm đến vấn đề liên quan đến hạ tầng thoát nước, môi trường sống xung quanh. Bên cạnh đó, do tình trạng đất chật người đông, khi các khu vực trung tâm đã được lấp đầy và có mức giá bán cao hơn rất nhiều, người dân buộc phải chuyển dịch ra mua BĐS tại khu vực vùng ven, cho dù hạ tầng kỹ thuật nói chung chưa thực sự hoàn thiện.
“Đối với các đô thị lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, vấn đề ngập lụt cục bộ do mưa lớn đã tồn tại từ nhiều năm, do hạ tầng chưa theo kịp tốc độ phát triển. Vì vậy, vấn đề này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến tâm lý mua của khách hàng, giá BĐS tại các khu vực thường xuyên bị ngập lụt vẫn tăng trưởng bình ổn là minh chứng cho điều này” - ông Quê nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Quê cũng khuyến cáo người dân trước khi mua BĐS nên quan tâm đến toàn bộ hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và thoát nước. Bởi nó ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và đi lại hàng ngày của người dân, chưa kể việc ảnh hưởng của mưa ngập sẽ làm giảm tuổi thọ của sản phẩm, cũng như các thiết bị đồ dùng trong nhà bị hỏng hóc. Bên cạnh đó, ở những khu vực có hạ tầng tốt, đồng bộ thì khi muốn bán lại cũng được giá hơn các khu vực khác.
"Tại các khu đô thị mới, chủ đầu tư chỉ tập trung vào việc xây nhà, chia lô, xây dựng các công trình nhà ở dày đặc để bán lấy lời mà không chú tâm nhiều đến hệ thống hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thoát nước nên khi mùa mưa đến không giải quyết được triệt để tình trạng ngập úng." - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, lượng mưa phổ biến tại khu vực Hà Nội ghi nhận từ 100 - 200mm/đợt, tất cả các quận, huyện như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì... đều xảy ra tình trạng ngập lụt cục bộ, có những khu vực nước ngập lên tới trên 1m.
-
Kẹt xe, ngập lụt do lỗi quy hoạch
Tầm nhìn ngắn, quy hoạch manh mún đang khiến 2 thành phố lớn nhất cả nước loay hoay trong tình trạng ùn tắc, ngập lụt nghiêm trọng.