Từ đó đến nay tại địa bàn Quảng Trị đã có 5 dự án đầu tư nhà máy sản xuất gạch xây không nung (GXKN), với tổng công suất thiết kế là 110 triệu viên quy chuẩn/năm, trong đó đã có 3 dự án đã đi vào hoạt động, bao gồm Nhà máy sản xuất GXKN thuộc Cty CP Thiên Tân tại cụm công nghiệp Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, công suất 20 triệu viên QTC/năm; Nhà máy sản xuất GXKN thuộc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, công suất 10 triệu viên QTC/năm và Nhà máy sản xuất GXKN thuộc Cty TNHH Thành Hưng, tại KCN Nam Đông Hà, công suất 30 triệu viên/năm.
Nhà máy sản xuất GXKN của Cty TNHH Thành Hưng. Bắt buộc sử dụng VLXKN Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, sản lượng và tiêu thụ GXKN của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị mang lại không được như mong muốn.
Theo mục tiêu của tỉnh Quảng Trị đề ra thì đến năm 2015 sản xuất VLXKN chiếm tỷ lệ 30%, tương đương khoảng 51 triệu viên QTC, nhưng thực tế, bình quân mỗi năm các nhà máy sản xuất và tiêu thụ chỉ hơn 10 triệu viên, tương ứng khoảng 20% kế hoạch. Trong khi đó 7 nhà máy sản xuất gạch nung trên địa bàn tỉnh này đạt và vượt nhiều so với công suất thiết kế, đơn cử như Nhà máy sản xuất gạch ngói Vĩnh Đại (huyện Cam Lộ) hàng năm tiêu thụ đạt hơn 50 triệu viên, tăng gấp gần 2 lần so với công suất và tăng gấp nhiều lần so với sản lượng tiêu thụ của gạch không nung, dẫu rằng chất lượng gạch không nung luôn đảm bảo (theo đánh giá của các cơ quan chức năng), đồng thời giá cả thấp hơn so với gạch nung.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, đó là người dân vẫn còn thói quen dùng gạch nung, các công trình dân dụng của tư nhân phần lớn sử dụng gạch nung. Điều đáng quan tâm, tại quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị nêu trên, nói rõ “các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước (theo quy định hiện hành) bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình, cụ thể: Tại TP Đông Hà sử dụng 50% VLXKN kể từ tháng 12/2013 và 100% kể từ năm 2014; tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 50% VLXKN kể từ năm 2014, sau 2015 phải sử dụng 100%...
Tuy nhiên, một thực trạng cho thấy, các công trình xây dựng bằng nguồn ngân sách Nhà nước vẫn còn tình trạng sử dụng gạch nung, trong khi đó hồ sơ thiết kế các dự toán lại ghi sử dụng VLXKN. Các công trình hạ tầng của chương trình xây dựng nông thôn mới do huyện, xã quản lý phần lớn sử dụng gạch bờ-lô đúc bằng thủ công không được kiểm tra chất lượng từ các cơ quan chức năng…
Đâm lao phải theo lao
Với những chính sách mang tính ưu việt đối với lĩnh vực sản xuất VLXKN từ chính quyền địa phương, các nhà đầu tư rất kỳ vọng và đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các nhà máy sản xuất GXKN. Song những bước đi đầu các nhà máy này gặp không ít những khó khăn, nhưng do tiền của đã bỏ ra rồi nên phải cố bám giữ, tìm mọi cách để duy trì hoạt động.
Ông Lê Nguyên Lượng - Giám đốc Xí nghiệp xây dựng và sản xuất VLXD (Cty CP Thiên Tân) cho biết, giai đoạn I Nhà máy sản xuất GXKN của Cty CP Thiên Tân có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, công suất 20 triệu viên QTC/năm đi vào hoạt động từ tháng 8/2013. Sản phẩm gạch của nhà máy gồm các loại kích cỡ: Gạch thẻ 6x11x20cm, gạch đặc 12x17x27cm, gạch rỗng 15x19x39cm, 20x19x39cm... Nhờ nguyên liệu đầu vào, mà nhất là bột đá là nguyên liệu chính nhà máy tự khai thác được, nên đã đưa được giá thành thấp hơn 30% so với gạch nung, bên cạnh đó bằng việc tổ chức giới thiệu chất lượng sản phẩm trực tiếp với khách hàng, bằng những nỗ lực chính từ DN… nên sản lượng gạch tiêu thụ của nhà máy hàng năm tiêu thụ từ 8 - 9 triệu viên QTC.
Với sản lượng này, ngoài đảm bảo mức lượng 4,5 triệu đ/người/tháng cho hàng chục lao động, lợi nhuận hàng năm cũng không đáng là bao. Có công suất 30 triệu viên QTC/năm, Nhà máy sản xuất GXKN của Cty TNHH Thành Hưng có dây chuyền tự động, khá hiện đại với công nghệ sản xuất nước ngoài, đi vào hoạt động và sản xuất thử từ tháng 7/2014. Anh Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Cty Thành Hưng cho biết, Nhà máy mất gần 5 tháng vừa cho chạy thử vừa tìm cách tiếp cận chào hàng, cho đến đầu năm 2015 chính thức đi vào hoạt động thương mại. Mặc dù việc sản xuất được tính toán một cách bài bản, thiết lập nhiều đầu mối tiêu thụ, đặc biệt luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, song năm 2015 sản lượng của nhà máy tiêu thụ không quá 3 triệu viên, chi phí xong các khoản, chỉ còn lãi khoảng vài chục triệu.
Sản xuất GXKN nhưng vẫn tạo ra màu sắc truyền thống như gạch nung, Nhà máy sản xuất GXKN Polyme thuộc Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, có công suất 10 triệu viên/năm đã dùng nguyên liệu chính đầu vào bằng đá màu nâu, tạo ra viên gạch có màu đỏ sẫm, tựa như gạch nung, màu đặc trưng nhất so với nhiều nhà máy sản xuất GXKN khác ở các tỉnh thành trong cả nước, đây là một trong những yếu tố mà khách hàng thấy thân thuộc sản phẩm như gạch nung. Tuy nhiên mức tiêu thụ vẫn còn rất khiêm tốn, bình quân mỗi năm tiêu thụ được khoảng 3 triệu viên.
Nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Mỹ… sử dụng VLXKN thay thế cho gạch nung vào việc xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng trong nhiều thập niên nay. Việt Nam chúng ta chỉ mới thực hiện mấy năm trở lại đây, nhưng xem ra hiệu quả đạt còn quá thấp so với mục tiêu đề ra tại các Quyết định và Thông tư liên quan đến công tác quy hoạch phát triển VLXKN. Nên chăng ngay từ bây giờ chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng tiếp tục vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn để hoạt động sản xuất VLXKN đi đúng theo định hướng và mục tiêu như mong đợi. Đó âu cũng là sự mong đợi từ các Nhà máy sản xuất GXKN trên toàn quốc nói chung và Quảng Trị nói riêng.