Tháng 9 vừa qua Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức thanh tra và xử phạt hơn 1.600 dự án sai phạm. Điển hình như Dự án nhà ở cho cán bộ trên địa bàn huyện Thanh Trì, Hà Nội thuộc sở hữu của Công ty Hanhud làm chủ đầu tư.
Rao bán "chui"
Dự án đã chậm tiến độ 3 năm nay, đến tháng 7 vừa qua dự án được chuyển nhượng cho chủ đầu tư mới là Tổng công ty Tecco. Tuy nhiênthời gian gần đây, rất nhiều biển quảng cáo rao bán căn hộ dự án này xuất hiện tràn lan dưới tên Tecco. Khách hàng chỉ cần tra cứu thông tin với từ khóa Tecco Complex thì ngay lập tức xuất hiện hàng loạt các sàn giao dịch có đầy đủ thông tin thiết kế dự án, giá cả cho từng loại hình căn hộ.
Đại diện phía Hanhud, ông Phạm Duy Cương - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty này cho biết hiện Công ty đang ủy quyền cho Công ty Tecco thực hiện dự án. Công ty đang đẩy nhanh quá trình hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nhưng hiện tại vẫn phải chờ vì UBND TP Hà Nội chưa phê duyệt.
Ông Cương còn cho biết thêm: “Việc Công ty Tecco tự ý thay đổi tên dự án, quảng bá bán căn hộ rầm rộ trên website đến khách hàng là sai. Bởi trên nguyên tắc, Công ty Tecco muốn bán căn hộ phải thông qua Công ty Hanhud. Tôi đã trình văn bản lên UBND TP Hà Nội để xin bán những căn hộ mà cán bộ không mua. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội vẫn chưa cho phép nên việc mua bán căn hộ của Công ty Tecco (nếu có) là sai…”.
Một ví dụ điển hình nữa chính là dự án A10 Nam Trung Yên. Được biết, chủ đầu tư cần đáp ứng các điều kiện như: Có giấy phép xây dựng, xong móng và lên cốt 0.0 mới được Sở xây dựng cho phép bán hàng.
Tính đến tháng 8/2017, dự án này chưa hoàn thành xong móng nhưng xung quanh đã đầy rẫy các biển quảng cáo, thậm chí còn treo cả lên hàng rào dự án. Khi được hỏi về thủ tục mua bán, đại diện một sàn giao dịch ở đây cho biết hiện các sàn này chưa thực hiện các hợp đồng mua bán nhà thực sự mà chỉ là hợp đồng “giữ chỗ”.
Theo đó, khách hàng muốn sở hữu căn hộ ở đây cần ký hợp đồng đặt cọc này với số tiền 50 triệu đồng cho chủ đầu tư, sau khi dự án chính thức mở bán sẽ chuyển sang hợp đồng mua bán căn hộ. Thế nhưng, chủ đầu tư chính thức Handico lại hoàn toàn phủ nhận các liên quan với những sàn giao dịch này.
Ông Nguyễn Tử Quang – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (Handico) cho biết: “Không hề có chuyện chúng tôi rao bán nhà. Đây là các cá nhân, tổ chức tự rao bán khi chưa đủ điều kiện và bên tôi không kiểm soát được việc này. Hiện bên công ty còn chưa duyệt phương án thì làm sao có giá để bán".
Việc mua bán của khách hàng với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán chủ yếu qua hình thức đặt cọc giữ chỗ. Theo các chuyên gia bất động sản, hình thức huy động vốn này mang đến nhiều rủi ro cho khách hàng. Nếu dự án thi công và hoàn thành đúng tiến độ thì không sao, nếu như chủ đầu tư sau đó không công nhận hoạt động giao dịch chính thống của họ thì khách hàng có thể bị mất trắng.
Trước nay, đã có rất nhiều dự án của các đại gia trong làng bất động sản, uy tín cao và quảng bá rầm rộ, giao dịch qua sàn giao dịch ủy quyền của chủ đầu tư nhưng đến lúc dự án gặp khó khăn, khách hàng còn không biết kêu ai.
Theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 việc “thỏa thuận ký quỹ”, hay đặt cọc khi dự án chưa đủ điều kiện lên sàn sẽ không có giá trị pháp lý, nếu như xảy ra tranh chấp, thiệt hại hoàn toàn nằm về phía khách hàng.
Bởi trước đó đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy ra ở TP HCM. Ngày 26/11/2015 dự án Nassim Thảo Điền đã bị UBND quận 2 đề nghị Sở TN-MT tổ chức kiểm tra thanh tra và xử lí các vi phạm bởi dự án chưa xong báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng đã khởi công và rao bán. Hay Gateway Thảo Điền chưa hề giải quyết xong mâu thuẫn đền bù đất cho cư dân xung quanh nhưng vẫn rao bán tràn lan.
Việc mua bán "nhà trên giấy" luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, hơn ai hết, khách hàng cần phải tìm hiểu và xác thực rõ thông tin về dự án trước khi quyết định giao dịch.
Hiện tại, Sở xây dựng Hà Nội cũng đang tích cực khuyến cáo khách hàng tra cứu thông tin trên trang thông tin điện tử của Sở, tất cả các dự án đủ điều kiện mua bán đều được cập nhật đầy đủ.