Quy hoạch đô thị sông Hồng: Tạo xung lực mới cho Thủ đô phát triển
Với quyết tâm cao về chính trị, mong rằng, giữa năm 2021 này, Hà Nội sẽ có một đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng hoàn chỉnh để tạo xung lực mới cho Thủ đô phát triển.
Những năm qua, khi bàn về phát triển TP hai bên sông Hồng, đã có rất nhiều chuyên gia nhìn nhận, để quy hoạch xây dựng Thủ đô phát triển hiện đại và bền vững, Hà Nội phải là TP hướng mặt vào sông chứ không được quay lưng ra sông. Thực hiện được điều này, cần phải sửa đổi quy định của Luật Đê điều dựa trên cơ sở tình hình mới. Các ngành, các cấp phải cùng vào cuộc bởi đây không chỉ là việc riêng của TP Hà Nội. Xây dựng một Thủ đô tựa lưng vào núi, hướng ra sông là đáp ứng cho sự phát triển hội nhập toàn cầu hoá.
Nhìn ra thế giới, đến nay, đã có nhiều đô thị thành công với quy hoạch hai bên sông, được phát triển như sông Tiền Đường (Hàng Châu - Trung Quốc), sông Hàn (Seoul - Hàn Quốc), khu vực sông Seine của Paris (Pháp)... Những bài học kinh nghiệm từ các nước sẽ được đúc rút để Hà Nội hiện thực hóa quy hoạch đô thị sông Hồng. Hoặc ngay như Hưng Yên - vùng đất giáp với Hà Nội, mới đây, UBND tỉnh này đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị nhà vườn sinh thái trên địa bàn thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang. Diện tích quy hoạch 148,17ha, với quy mô dân số dự kiến khoảng 42.000 người. Dự án đặt mục tiêu trở thành khu đô thị sinh thái ven sông Hồng, làm sống lại nét văn hóa phố Hiến, phố Mễ xưa, thay đổi diện mạo cho đô thị Văn Giang và kết nối liên hoàn với Thủ đô Hà Nội.
Trong buổi họp Thường vụ Thành ủy Hà Nội chiều 10/3 cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy thông tin, với đồ án quy hoạch lần này, Hà Nội sẽ quay mặt vào sông Hồng để phát triển. Theo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đưa ra, chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh. Đồ án được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha; thuộc địa bàn 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 - 320.000 người. Nói về đồ án này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định: "Đây là kết quả từ quyết tâm chính trị rất cao của TP Hà Nội trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, thẩm định và phê duyệt quy hoạch này nhằm hiện thực hóa quy hoạch thủ đô từ năm 1954 đến nay, cũng như định hướng về không gian, chỉnh trang đô thị, giải quyết sinh kế cho người dân, chỉnh trị dòng chảy và hành lang thoát lũ...".
Tới đây, bản đồ án chắc hẳn sẽ được lấy thêm ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh, bởi TP Hà Nội dự kiến ban hành vào tháng 6/2021. Khi đó, sẽ tạo một xung lực cho Thủ đô phát triển thêm về mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo đà khai thác tiềm năng lợi thế vốn có. Trong tương lai gần, chúng ta nhìn có thể thấy các công trình hạ tầng hiện đại được xây dựng, góp phần tạo đòn bẩy thay đổi diện mạo đô thị bên sông. Một khu vực đô thị hiện đại xuất hiện sẽ là cánh cửa cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, xây dựng điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, cải thiện chất lượng sống cho người dân. Dẫu vậy, không ít chuyên gia cũng đặt vấn đề, trước khi xây dựng quy hoạch, các cơ quan có thẩm quyền cần điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, đặc biệt phải có một đội ngũ làm công tác quy hoạch chuyên nghiệp, một hội đồng thẩm định khách quan, khoa học, công tâm, vì lợi ích chung, không bị chi phối bởi “lợi ích” hoặc vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ tầm nhìn dài hạn.
-
Hà Nội có thể phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng vào tháng 6 tới
Dự kiến, sau khi thống nhất với các bộ liên quan, theo lộ trình, TP Hà Nội có thể phê duyệt, ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6 tới.