08/07/2016 3:10 PM
Theo trình bày của các hộ công nhân, hơn 35 năm sinh sống tại khu nhà tập thể và làm việc cho Xí nghiệp Ươm tơ Giao Thủy (XNƯTGT), đến nay 12 hộ công nhân đang ở lâm vào tình cảnh khốn khó khi phải giải tỏa nhà cửa để giao mặt bằng cho công trình thi công cầu Giao Thủy.

Các hộ công nhân kiến nghị tăng mức đền bù và bố trí đất tái định cư. Ảnh: NP

Công trình xây dựng cầu Giao Thủy nối hai bờ sông Thu Bồn (thuộc huyện Đại Lộc và huyện Duy Xuyên) đang đi vào giai đoạn thi công nước rút để đưa vào sử dụng. Trong đó, hạng mục đường dẫn phía Bắc cầu Giao Thủy (xã Đại Hoà, Đại Lộc) nhắm thẳng vào khu nhà tập thể của XNƯTGT, buộc phải giải tỏa di dời. Song, chỉ có 4/16 hộ bị giải tỏa chấp nhận mức đền bù về quê sinh sống. Số hộ còn lại chưa chịu di dời vì tổng mức hỗ trợ đền bù cho họ quá thấp và nhiều hộ không được bố trí tái định cư...

Về mức đền bù, hỗ trợ, vào cuối tháng 3/2016, các hộ mới nhận được thông báo phải di dời nhà cửa trước ngày 20/4/2016, với khoản tiền bình quân 65 triệu đồng/hộ và đặc biệt là có 4 hộ công nhân gồm: Võ Thị Lựu, Lê Đức Dũng, Võ Thị Thắm và Nguyễn Thị Ngọc Liên do trước đó được gia đình cho đất hoặc nhận chuyển nhượng đất nơi khác, nay không được bố trí tái định cư, khiến họ càng khó khăn hơn.

Bà Võ Thị Thắm nói: “Chính quyền mấy lần gửi thông báo để nhận tiền di dời nhưng chúng tôi không nhận, thử hỏi trong 12 hộ chúng tôi người thấp nhất nhận hơn 60 triệu đồng, cao nhất chỉ gần 100 triệu đồng, với từng đó tiền làm sao đủ mua đất chứ chưa nói đến chuyện làm nhà”.

Ông Trương Văn Đông, một hộ sống trong khu tập thể này bày tỏ: “Người dân chúng tôi đều thống nhất chủ trương di dời để phục vụ xây cầu Giao Thủy, nhưng mức hỗ trợ như thế thì thấp quá. Có một vài hộ được hỗ trợ nhiều nhất là hơn 90 triệu đồng, cũng không thể trả tiền sử dụng đất và làm nhà được. Các hộ ở đây đều nghèo khó, chứ khá giả thì lâu nay ai dại gì sống trong khu tập thể dột nát, nguy hiểm này”.

Còn bà Lê Thị Bảy than thở: “Vào năm 1993, UBND xã Đại Hòa có cấp cho tôi 1 lô đất ở, nhưng nằm ở vực sâu và cho đến nay cũng không có đường vào, không có điện; thì sao dựng nhà sống cho nổi”.

Các hộ cho biết, lúc đầu số tiền chính quyền hỗ trợ cho mỗi hộ rất thấp, sau nhiều lần kêu cứu mới nhích lên được 3 - 5 triệu đồng/lần, nhưng cũng không thể so sánh với giá đất thị trường, giá vật liệu xây dựng tăng vùn vụt...

Khu tập thể công nhân XNƯTGT sắp phải di dời. Ảnh: NP

Theo tìm hiểu của PV, vị trí các lô đất dành cho tái định cư, thuộc quỹ đất 5% do chính quyền xã quản lý, cây cối mọc um tùm, không có đường, không điện, nước...

Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và trước đó, tất cả các hộ trên đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất khi bị giải tỏa, vì giấy tờ được xác lập trước ngày 15/10/1993. Thế nhưng, trong thời gian dài không có một cơ quan nào hướng dẫn thủ tục cấp quyền sử dụng đất để đảm bảo quyền lợi chính đáng hợp pháp cho các hộ dân.

Ông Lê Ba, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đại Lộc cho rằng, địa phương đã tìm mọi cách tăng thêm hỗ trợ cho các hộ sống trong khu tập thể XNƯTGT, nhưng theo quy định của Luật Đất đai và quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam về việc bồi thường và hỗ trợ tái định cư thì chỉ khi nào thu hồi đất cá nhân mới bố trí tái định cư. Trong khi 12 hộ dân sống trên đất của XNƯTGT thuộc sở hữu của Nhà nước, nhà ở cũng là nhà của xí nghiệp.

“Từ tháng 4/2015, chúng tôi đã thấy vướng chuyện di dời, hỗ trợ cho các hộ trong khu tập thể này, nên đã báo cáo lên lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc; gửi văn bản đến Sở Tài nguyên - Môi trường xin ý kiến. Sau đó, Sở có công văn hướng dẫn là chỉ có hỗ trợ, không bồi thường vì đây là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước. Tiếp đó, huyện thành lập hội đồng định giá tài sản và đất để làm căn cứ áp giá bồi thường. Khi công khai giá hỗ trợ đợt đầu năm 2015, mỗi hộ từ 30 - 70 triệu đồng. Với số tiền này, tất cả các hộ đều lắc đầu vì quá thấp, không thể mua đất ở nơi mới” - ông Ba cho biết.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam đã có ý kiến chỉ đạo hỗ trợ để các hộ tự lo chỗ ở mới do không được bố trí nhà ở tái định cư và không có chỗ ở nào khác trên địa bàn, khen thưởng các hộ sớm bàn giao mặt bằng...

Thiết nghĩ, với những khó khăn, vất vả của 12 hộ công nhân sống trong khu tập thể XNƯTGT hiện nay, rất cần sự quan tâm và chia sẻ từ phía chính quyền các cấp ở Quảng Nam để họ sớm ổn định cuộc sống về sau.

Ngọc Phó (Thanh tra)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.