26/03/2018 9:51 AM
Đã từ lâu, tình trạng sử dụng đất dự án sai mục đích là một trong những vấn đề dư luận quan tâm. Đã có nhiều phản ánh, phân tích trên các phương tiện truyền thông, song chưa giải quyết được triệt để.

Một ô đất dự án trên đường Thành Thái bị biến thành sân bóng, điểm rửa xe ô tô.

Đơn cử, tại quận Cầu Giấy, nhiều năm nay, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp sử dụng, xây dựng sai phép trên đất dự án, tuy nhiên, tình trạng biến đất dự án thành bãi xe, sân bóng vẫn diễn ra. Ví như, tại Dự án Công viên và hồ điều hòa trên lô đất CV1 (hiện đã được bàn giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án) thuộc địa bàn 2 quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy.

Theo quy hoạch, dự án trên có tổng mức đầu tư 938 tỷ đồng gồm các hạng mục chính như đào các hồ điều hòa với diện tích 19ha; 12,76ha còn lại là các hạng mục cây xanh, sân vườn, nhà thuyền, khu vực hoạt động vui chơi, nhà hát ngoài trời... Tuy nhiên, đến thời điểm này, điều đập vào mắt của những người dân trong khu vực chỉ là những nhà xưởng, bãi xe, sân bóng… gây bức xúc trong dư luận.

Đây cũng là thực trạng đang diễn ra tại Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng làm chủ đầu tư, dự án tại số 125 Văn Cao (quận Ba Đình), hay dự án CT10-11, thuộc Khu đô thị mới Văn Phú, (quận Hà Đông) do Công ty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVCR) làm chủ đầu tư...

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một số phường của Cầu Giấy, Hà Đông... và cả những chuyên gia quản lý đô thị đều cho biết, việc biến đất dự án chưa xây dựng công trình nhà ở, văn phòng thành nơi trông giữ phương tiện, hay sân bóng… là sai quy định. Do đó, việc thu hồi các dự án chậm triển khai là điều hết sức cần thiết. Vấn đề là phải được thực thi một cách quyết liệt, đồng bộ trên toàn địa bàn TP, để tạo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai.

Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật. Đây là việc làm rất cần thiết nhằm hạn chế tình trạng “ôm” đất; sử dụng đất dự án sai mục đích gây mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh thiếu diện tích trông giữ xe như hiện nay, các cơ quan chức năng nên xem xét cho phép tổ chức trông giữ phương tiện, hoặc khu vui chơi tạm thời (thời hạn dưới 3 năm) trên các khu đất dự án chưa triển khai. Khi đó, ngân sách có thêm nguồn thu, giảm bớt lãng phí; công tác quản lý đất đai của cấp chính quyền cơ sở cũng thuận lợi hơn; một bộ phân người dân có nơi gửi xe thuận lợi.

"Hết thời hạn 3 năm mà chủ đầu tư dự án chưa triển khai nhất thiết cơ quan chức năng phải hoàn thiện hồ sơ để trình UBND TP ra quyết định thu hồi. Như vậy mới đưa đất đai vào quản lý có hiệu quả" - một chuyên gia nhìn nhận.

Vân Nhi (KT&ĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.