Dự án 50 triệu USD thành phế tích
Tên gọi đầy đủ của dự àn này là: “khu liên hợp kinh tế - thương mại – khách sạn – thể thao – chung cư – biệt thự” được chủ đầu tư là Cty Liên doanh Hồng Thái – SIT Việt Nam thực hiện.
Theo giấy phép số 2371/GP của Bộ KH&ĐT ký ngày 31/12/2003 thì dự án có tổng mức đầu tư lên tới 50 triệu USD, được xây dựng trên diện tích 162.188,8 m2 tại xã Nghi Hương và phường Nghi Hòa, TX Cửa Lò.
Cty Liên doanh Hồng Thái – SIT Việt Nam ra đời trên cơ sở hợp tác giữa Cty TNHH Tư vấn xây dựng Hồng Thái (Đồng Nai) và Cty Safekeeping Investment Trust (SIT) – (Australia).
Thời điểm dự án được phê duyệt, Hồng Thái-S.I.T là một trong số ít nhà dầu tư mang tầm cở nước ngoài rót vốn vào Nghệ An, vì vậy quy mô và tầm vóc của dự án đã mang theo rất nhiều kỳ vọng thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội trực tiếp cho thị xã du lịch Cửa Lò.
Quyết định số 227 ngày 15/1/2003 của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - Nguyễn Hồng Trường (sau này là Thứ Trưởng Bộ GTVT ) ký “phê duyệt quy hoạch chi tiết khu liên hợp kinh doanh khách sạn – siêu thị – thể thao – thương mại – chung cư thị xã Cửa Lò” cho thấy nhiều hạng mục sẽ được đầu tư như: 5 khách sạn từ 2 sao đến 5 sao; 86 biệt thự; tổ hợp siêu thị, chung cư cao tầng; nhà biểu diễn thủy cung; Hồng lâu quán… Theo kế hoạch, năm 2010 dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Thế nhưng cho đến nay, đã thành con số không. Hiện tại đại dự án này trở thành khu hoang lạnh với hơn 100 căn hộ - phần lớn đã xây xong phần thô chờ hoàn thiện đang phơi mưa phơi nắng, cỏ dại mọc lấn công trình giang dở meo mốc.
Không chỉ dừng lại ở việc thi công dang dở mà dự án này còn hé lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng. Theo điều tra của phóng viên, Cty liên doanh Hồng Thái - S.I.T là của doanh nghiệp tư nhân Hồng Thái (có trụ sở tại TX Cửa Lò) với Cty Safekeeping - Investment - Trust, viết tắt là S.I.T ở Australia.
Trong quá trình thực hiện dự án, Cty này nhờ thế lực nào mà ngang nhiên quy hoạch chui thêm 28 biệt thư (cơ quan chức năng chỉ cho phép xây dựng 86 biệt thự).
Trong Giấy phép đầu tư số 2371/GP của Bộ KH&ĐT cấp do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc ký ngày 31/12/2003 đã quy định rõ: “vốn đăng ký và vốn pháp định của dự án là 50 triệu USD. Trong đó phía Việt Nam góp 18 triệu USD (36%), phía S.I.T. góp 32 triệu USD (64%).
Nếu hai bên không góp được 50% vốn pháp định thì giấy phép đầu tư và toàn bộ diện tích đất đã cấp cho dự án sẽ bị thu hồi”, thế nhưng đến tháng 3/2004 phía Cty S.I.T đã tự ý rút khỏi dự án không lý do “không kèn trống”, tới ngày 5/11/2004 đại diện S.I.T mới có văn bản gửi Bộ KH&ĐT.
Ngay sau đó Cty Hồng Thái có đề nghị Bộ KH&ĐT cho Cty MPM. Development and Financial Group Pty Lid tham gia dự án thay thế S.I.T. Đề nghị này đã được chấp nhận, mặc dù nó tiếp tục phạm cam kết trong Giấy phép đầu tư là: “Việc chuyển nhượng vốn chỉ được thực hiện khi dự án xây xong và đi vào kinh doanh và phải được Bộ chấp nhận”.
Chưa hết, để có tiền thực hiện tiếp dự án đang giãy chết, ông chủ của liên doanh “ảo” Hồng Thái S.I.T đã huy động vốn sai luật của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước, vi phạm tiếp vào quy định “Cty liên doanh Hồng Thái - S.I.T. không được huy động vốn từ cộng đồng dân cư trong nước dưới bất kỳ hình thức nào” của Giấy phép đầu tư.
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Như vậy, với rất nhiều sai phạm và hậu quả năng lực tài chính yếu kém nhưng “phù phép” được thổi phồng, “đại công trường” Hồng Thái S.I.T hoành tráng cờ hoa ngày nào bây giờ đã trở thành khu “nghĩa địa công trình”.
Trước tình hình đó, ngày 9/8/2005, Bộ KH&ĐT ra Quyết định số 757 “chấm dứt hoạt động trước thời hạn của Cty liên doanh Hồng Thái – SIT Việt Nam”. Bộ này cũng có công văn gửi UBND tỉnh Nghệ An đề nghị “chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh hướng dẫn Cty liên doanh thực hiện các thủ tục thanh lý”.
Đồng thời, lựa chọn một Cty có đủ năng lực tài chính tại địa phương để “tiếp tục thực hiện mục tiêu của dự án”, theo hình thức 100% vốn trong nước. Một dự án với số vốn “ngất ngưởng” hàng chục triệu USD, liệu có doanh nghiệp nào của địa phương có đủ năng lực để dám đầu tư vào.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện dự án một số đơn vị xây dựng trong tỉnh và trong nước đã trúng thầu. Họ đã bỏ ra một khối lượng tiền lớn hàng chục tỷ đồng để xây dựng trên 100 biệt thự. Phía đối tác nước ngoài rút khỏi dự án; Bộ KH&ĐT ra quyết định chấm dứt hoạt động của Cty liên doanh Hồng Thái – SIT Việt Nam, hỏi lấy tiền đâu ra để thanh toán cho các nhà thầu?
Du khách về với TX Cửa Lò, vẫn nhìn thấy ngay ở khu đất vàng rộng mênh mông trên con đường vào thị xã nhấp nhô 100 căn biệt thự đang đổ nát dần với thời gian.
Hồng Thái S.I.T là bài học đắt giá đối với các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An không phải hôm qua mà cả hôm nay trong bài toán lựa chọn thu hút đầu tư sao cho thực sự hiệu quả.
Với quy mô tầm cỡ của dự án này, rõ ràng trách nhiệm thuộc UBND tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, đã xẩy ra rất nhiều bài học nhãn tiền về thu hút đầu tư quá vội vàng, không thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính kỹ thuật của nhà đầu tư cũng như sự cần thiết về mặt kinh tế, xã hội khi cho phép triển khai dự án, nhưng trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền từ huyện đến tỉnh cũng chỉ dừng lại ở những cuộc họp “nóng” để rồi sau đó đưa ra giải pháp “rút kinh nghiệm” và những khiển trách tập thể, cá nhân mang tính “ bắn súng chỉ thiên”. Trong khi đó, sự lãng phí đất đai, tiền của đang là điều có thật.
Dự án “triệu đô” đã “chết” như vậy đó. Trước đó vẽ ra bao nhiêu, giờ đây thất vọng bấy nhiêu. Vấn đề đặt ra là ai phải chịu trách nhiệm trước sự đổ vỡ của liên doanh này ?
Một số hình ảnh những căn biệt thự đang đổ nát dần với thời gian của dự án “triệu đô” Hồng Thái S.I.T ở TX Cửa Lò, Nghệ An: