Hôm qua (25.1) là thời hạn cuối cùng mà Bộ GTVT yêu cầu các trạm thu giá BOT phải cắm biển cấm dừng quá 5 phút đối với tất cả các phương tiện vận tải. Đây được cho là giải pháp để ngăn chặn tình trạng gây rối khiến giao thông ách tắc tại các trạm BOT gần đây.

Trạm BOT T1 Cần Thơ - An Giang. Ảnh: Trần Lưu

Các điểm nóng đã đều cắm biển

Trao đổi với báo Lao Động ngày 25.1, lãnh đạo Vụ An toàn Giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết trong sáng 25.1 đã cắm biển cấm dừng quá 5 phút tại 4 trạm tương đối nóng là BOT Sóc Trăng, 2 trạm trên QL91, trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp. Theo ông này, việc cắm biển cấm dừng quá 5 phút tại các trạm BOT đang được các cục đường bộ triển khai trong đó tập trung ở các trạm có hiện tượng cố tình dừng đỗ, trả tiền lẻ để gây ùn tắc.

Các trạm thu phí trên cao tốc hiện tại chưa triển khai cắm loại biển này và tổng cục sẽ tiến hành thống kê đánh giá trong thời gian tới. Khi được hỏi về việc xử phạt các tài xế dừng đỗ quá 5 phút, đại diện Vụ An toàn Giao thông cho biết về lý thuyết cứ cắm biển là cơ quan chức năng có thể xử phạt và các xe cố tình dừng đỗ tại trạm có thể sẽ bị kéo ra khỏi trạm để thu phí và xử lý.

Quyết định cắm biển cấm dừng quá 5 phút tại các trạm BOT được Tổng cục Đường bộ đưa ra sau khi nhiều trạm BOT có hiện tượng lái xe cố tình dừng dỗ, trả tiền lẻ câu giờ để phản đối việc thu phí khiến giao thông bị rối loạn. Quyết định này ít nhiều cũng vấp phải các ý kiến trái chiều, thậm chí có người cho rằng việc cắm biển trên là trái luật. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Lao Động ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ VN - khẳng định, đơn vị này có đủ thẩm quyền và việc cắm biển là đúng quy định pháp luật và không trái luật.

Theo ông Huyện, việc tổ chức giao thông là việc làm thường xuyên của cơ quan quản lý đường bộ nhằm tạo thuận lợi, an toàn giao thông trên đường bộ và những nơi đường hẹp, lưu lượng đông, cơ quan quản lý đường bộ cũng phải thường xuyên cắm biển cấm đỗ xe hoặc cấm dừng đỗ xe.

Ông Huyện cho biết, thời gian qua tại các trạm thu phí đã xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, ngành giao thông cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như mở thêm làn thu, phân làn đường, điều tiết giao thông... Do đó cắm biển báo cấm đỗ xe, cấm dừng xe quá 5 phút tại khu vực trạm là hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng quy định trong Quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2016/BGTVT) và cần thiết để đảm bảo giao thông được thuận lợi và an toàn.

Việc cắm biển được triển khai sau khi các đơn vị quản lý đường bộ, Ban Quản lý dự án và nhà đầu tư BOT đã tiến hành rà soát hiện trạng biển báo tại các cửa trạm thu giá để tổ chức giao thông theo hướng lắp đặt biển số P.131 “Cấm đỗ xe” phía trước trạm thu giá khoảng 100-200m, tùy theo điều kiện cụ thể để xác định khoảng cách đặt cho phù hợp và lắp đặt biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” cách cabin thu phí khoảng 50m. Biển được lắp đặt trên dải phân cách giữa và trên cột cần vươn phía bên phải chiều xe chạy. Lắp biển báo hết lệnh cấm phía sau trạm thu giá khoảng 100-200m.

Trạm thu phí đặt tại Km72+930 tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (tuyến mới) chính thức khai thác sáng 25.1.2018. Ảnh: A.C

Sẽ xử lý người cố tình vi phạm

Liên quan đến vấn đề này trong ngày 24.1, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); phòng, chống ùn tắc giao thông dịp Tết Nguyên đán 2018. Trong đó việc bảo đảm an ninh, trật tự các trạm thu giá BOT được bàn bạc rất nhiều. Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; đồng chí Nguyễn Văn Thể - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải - đồng chủ trì hội nghị này.

Tại đây, lãnh đạo Bộ Công an đưa ra các giải pháp đảm bảo TTATGT thời gian tới. Cụ thể: Phối hợp với các lực lượng chức năng có giải pháp hữu hiệu chống ùn tắc giao thông trong dịp Tết Nguyên đán 2018. Công an các thành phố trực thuộc Trung ương phải tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp có biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý và sử dụng lòng đường, hè phố; chống lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến phố trọng điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, làm nơi trông giữ xe ôtô, môtô trái phép.

Xây dựng các phương án phân luồng, phân tuyến từ xa hợp lý, khoa học. Tổ chức huy động các lực lượng tham gia hướng dẫn, điều hòa giao thông, duy trì phát sóng bản tin tình hình giao thông trên truyền hình, sóng FM, Tổng đài Bưu điện 1080, đặc biệt là VOV giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam để hướng dẫn giao thông, hạn chế ùn tắc giao thông.

Nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông, gây mất trật tự công cộng tại các Trạm thu giá BOT, Bộ Công an yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc Công điện số 82/CĐ-TTg, ngày 18.1.2018 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm ANTT tại các Trạm thu giá BOT. Công an các tỉnh, thành phố có Trạm thu giá BOT phải chủ động nắm chắc tình hình có liên quan để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động cả hệ thống chính trị, người dân tham gia công tác bảo đảm ANTT, duy trì TTATGT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Tại hội nghị, Công an tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, đang củng cố hồ sơ, tài liệu về một nhóm mang tên “Bạn hữu đường xa” có biểu hiện chỉ đạo kích động gây rối không chỉ ở trạm thu giá Cai Lậy mà còn ở các tỉnh lân cận. “Các đối tượng này sử dụng không gian mạng để liên lạc họp mặt để phản đối”. Còn Công an Sóc Trăng báo cáo có 3 nhà xe đã liên hệ với nhóm này tổ chức gây rối, trong đó có múa lân, bẻ barie, nâng xe. “Đây là hành vi không chấp nhận được - Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị.

Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Trạm thu giá BOT phức tạp cần chủ động nắm chắc tình hình, dự báo các tình huống phức tạp xảy ra; chủ động rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án, kế hoạch bảo đảm ANTT, duy trì TTATGT tại các Trạm thu giá BOT. Khi xảy ra tình huống phức tạp, phải tập trung lực lượng giải quyết dứt điểm theo “4 tại chỗ”, không để kéo dài, diễn biến phức tạp, tạo thành “điểm nóng” về ANTT.

Xem xét, xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm, nhất là những thành phần lái xe có hành vi cản trở giao thông, có hành vi phá hoại trang thiết bị tại Trạm thu giá, các cá nhân, tổ chức có hành vi gây rối, chống phá. Xử lý nghiêm các trường hợp tán phát thông tin không đúng sự thật trên mạng Internet theo đúng quy định pháp luật.

Bộ GTVT phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở giao thông vận tải tổ chức rà soát lại vị trí đặt các Trạm thu giá BOT trên toàn quốc mà người dân phản ánh đặt không đúng vị trí để có phương án xử lý, giải quyết phù hợp, không để xảy ra tình hình phức tạp về ANTT…

Sau khi cắm biển cấm dừng 5 phút, các trạm thu giá bình yên

Bắt đầu từ 0h hôm qua (25.1), nhà đầu tư BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã triển khai thu phí đối với xe ôtô lưu thông trên tuyến theo quy định.

Theo ghi nhận, tại trạm thu phí đặt tại Km72+930 tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (tuyến mới), tình hình an ninh trật tự được đảm bảo, Cty BOT đã phối hợp tốt với các cơ quan, ban ngành, hai tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Kạn và được sự đồng thuận của các lái xe, nên không xảy ra ùn tắc tại trạm; Phương tiện qua trạm phần lớn là xe con dưới 9 chỗ, xe khách 16 chỗ qua lại trên tuyến.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75-Km100 có tổng chiều dài 65km, trong đó, hợp phần QL3 mới đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc, chiều dài 40km, bề rộng nền đường 12m.

Cũng trong ngày 25.1, các trạm BOT ở Cần Thơ đã thực hiện việc lắp biển “Cấm dừng xe quá 5 phút” theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ.

Tại trạm thu phí T1 (quận Ô Môn) và trạm T2 (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ), nhà đầu tư đã hoàn tất việc cấm các biển báo trong sáng ngày 25.1. Riêng trạm thu phí cần Thơ - Phụng Hiệp, việc lắp biển báo cũng đã được triển khai cùng ngày.

Ông Nguyễn Văn Kiệm, Trưởng Trạm thu phí T1 và T2 cho biết, thời gian tới, trạm sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Cục đường bộ. Đối với trường hợp tài xế dừng xe tại trạm quá giờ quy định, trong 3 làn đường thu phí hiện hữu tại Trạm, nhân viên sẽ tiến hành phân luồng qua các làn còn lại. Đồng thời, Ban Quản lý trạm trên tinh thần là giải thích, vận đồng những tài xế rời đi. Trường hợp xảy ra ùn tắc hết cả 3 làn đường thì sẽ cho tiến hành xả trạm theo quy định. Nếu những người này vẫn cố tình không di chuyển thì khi đó, đơn vị sẽ nhờ ngành chức năng xử lý.

Sáng 25.1, ông Phạm Văn Thanh - Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đường bộ IV.6 cho biết, đã gắn biển cấm dừng quá 5 phút tại các trạm thu phí đường bộ BOT.

Tại BOT Sóc Trăng (tại Km 2123 + 250, thuộc địa bàn xã An Hiệp, huyện Châu Thành diễn ra bình thường, chưa ghi nhận trường hợp ùn tắc giao thông do các tài xế phản ứng. Việc gắn biển đã được thực hiện vào ngày 24.1.

Tại BOT Bạc Liêu cũng đã gắn biển, nhưng tình trạng vẫn yên ắng. Trong khi đó tại BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp việc gắn biển cũng thực hiện vào chiều 24.1, sau khi gắn biển có một vài tài xế thắc mắc, BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp giải quyết cho đi qua tránh ùn tắc.

Theo Cục Quản lý Đường bộ, sau khi gắn biển cấm dừng nói trên, nếu những trường hợp nào vi phạm thì lực lượng CSGT hoặc TTGT đều được quyền lập biên bản xử phạt.

A.C - T.L - N.HỒ

Chủ đề: Các dự án BT, BOT,
Khánh Hòa - Linh Anh (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.