Các pháp nhân của chuỗi siêu thị Big C ở Việt Nam vẫn chưa thay đổi dù tập đoàn Casino đã hoàn tất việc bán và bàn giao chuỗi Big C cho Central Group. Ảnh: Quốc Hùng
Trung tuần tháng 5-2016, đại diện quản lý cấp cao của hệ thống siêu thị Big C ở Việt Nam chia sẻ vớiTBKTSG Online rằng Tập đoàn Casino (Pháp) trước đó đã hoàn tất thủ tục bán toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam cho Central Group (Thái Lan) và Nguyễn Kim Group.
Theo nguồn tin này, hiện nay toàn bộ bộ máy nhân sự của chuỗi Big C Việt Nam với khoảng 9.000 lao động vẫn được giữ nguyên, không có thay đổi nào khi hệ thống phân phối này đã được chuyển giao cho chủ mới.
Trong khi đó, trao đổi với TBKTSG Online vào ngày hôm nay, 21-6, các cơ quan quản lý hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết đến nay họ chưa nhận được hồ sơ xin chuyển đổi điều chỉnh chủ đầu tư trong giấy chứng nhận đầu tư từ hai doanh nghiệp này.
Do tập đoàn Casino hoạt động ở Việt Nam mở 33 điểm bán ở nhiều tỉnh thành trên cả nước với nhiều pháp nhân ở các địa phương khác nhau, nên việc điều chỉnh phải thực hiện ở các địa phương đó.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online qua điện thoại, một nguồn tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM xác nhận rằng cơ quan này chưa nhận được hồ sơ điều chỉnh về chủ đầu tư mới của chuỗi siêu thị Big C. Do đó, pháp nhân và chủ đầu tư của chuỗi siêu thị Big C trên địa bàn thành phố hiện nay không có gì thay đổi so với những năm trước đây.
Tương tự, cơ quan xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, nơi Casino mở một điểm bán Big C được khoảng hai năm nay, cũng cho biết cơ quan này chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào về việc thay đổi pháp nhân đầu tư của siêu thị Big C Quy Nhơn. Và theo nguồn tin này thì trong giấy phép đầu tư khoảng 10 ngày nay có thay đổi người đại diện đứng đầu của Big C ở Quy Nhơn, không còn là người Pháp như trước nữa.
Tuy nhiên, nguồn tin này cho rằng việc thay đổi người đại diện này chỉ mang tính thay đổi nhân sự của doanh nghiệp chứ không phải thay đổi về pháp nhân công ty hay thay đổi chủ đầu tư mới.
Tuần trước, tờ Nation Multimedia của Thái Lan dẫn lời ông Tos Chirathivat, CEO của tập đoàn Central Group, cho biết: “Mặc dù chúng tôi có thể sử dụng thương hiệu Big C trong vòng 10 năm sau khi thâu tóm, chúng tôi đã quyết định sẽ đổi tên vào năm tới”. Giới phân tích cho rằng việc đổi tên siêu thị Big C vào năm tới của nhà đầu tư mới Central Group này cũng chỉ là đổi tên thương hiệu của siêu thị kinh doanh chứ không liên quan gì đến tính pháp nhân đầu tư của chuỗi siêu thị.
Một vấn đề nóng được nhiều người quan tâm hiện nay là sau khi thương vụ mua bán-sáp nhập này đã hoàn tất thì liệu Việt Nam có thu về được một khoản thuế chuyển nhượng tài sản hay không, bởi theo giới phân tích, tập đoàn Casino sẽ thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ từ thương vụ này.
Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, một số ý kiến của cơ quan quản lý đầu tư cũng như cơ quan thuế cho rằng nếu hai tập đoàn này “thỏa thuận ngầm” giao dịch ngoài lãnh thổ Việt Nam trong việc bán công ty con của mình ở Việt Nam mà không thông qua cơ quan quản lý Việt Nam, không cần thay đổi pháp nhân thì rất khó yêu cầu bên bán thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, dù việc chuyển nhượng có phát sinh thu nhập.
Trên báo Tuổi Trẻ, một lãnh đạo ngành thuế cho biết theo pháp luật Việt Nam và quy định của hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Pháp, mức thuế chuyển nhượng Big C là 20%, trong đó quyền đánh thuế của thương vụ này thuộc về cơ quan thuế Việt Nam.
Tuy nhiên toàn bộ hệ thống 33 siêu thị mang tên Big C trên toàn quốc hiện đang được sở hữu bởi Công ty Cavi Retail (đăng ký tại Hồng Kông). Mỗi siêu thị được thành lập dưới hình thức một doanh nghiệp có vốn do Công ty Cavi Retail góp. Ngoài ra, Công ty Cavi Retail cũng đang sở hữu Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nhật, cho thuê mặt bằng của 32 siêu thị Big C tại Việt Nam, và Công ty TNHH Dịch vụ EB chuyên phân phối hàng hóa cho 32 siêu thị Big C tại Việt Nam.
Như vậy, có nghĩa là tập đoàn Casino bán Công ty Cavi Retail ở Hồng Kông, và hiện nay các dự án đầu tư của chuỗi siêu thị Big C của Cavi Retail ở Việt Nam vẫn còn tồn tại, không có thay đổi hoặc điều chỉnh gì. Công ty Cavi Retail hiện không tham gia vào hoạt động chuyển nhượng chính nó, không nhận thu nhập từ hoạt động này và không phải là đối tượng nộp thuế.
Liên quan đến vụ việc này, báo Tuổi Trẻ ngày 21-6 đưa thông tin rằng: theo cơ quan thuế, ước tính số tiền thuế thu được từ thương vụ chuyển nhượng Big C vào khoảng 3.600 tỉ đồng. Và trong văn bản vừa được gửi tới các bên liên quan trong vụ chuyển nhượng hệ thống siêu thị Big C Việt Nam, Tổng cục Thuế yêu cầu kê khai và nộp thuế chuyển nhượng vốn, đồng thời khuyến cáo không cho chuyển đổi chủ mới nếu chậm nộp thuế.
Trường hợp các bên kê khai và nộp thuế muộn, cơ quan thuế Việt Nam sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trước mắt là các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sẽ bị dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật từ Tập đoàn Casino sang Tập đoàn Central Group.