Bộ trưởng Bộ Xây dựng khuyên người dân nên chuyển từ tư duy sở hữu nhà ở sang việc cần có chỗ ở có chất lượng hơn bằng cách đi thuê nhà.
Đó là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, được phát sóng trên chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam, tối 19/8.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trên thực tế, việc mua nhà với giá 4 triệu đồng/m2 là rất hiện thực, nhưng mức giá đó chỉ đối với những đô thị đất rộng, yêu cầu xây dựng không cao tầng, dân cư thưa thớt.
Còn đối với Hà Nội hay Tp.HCM, do mật độ dân số đông, diện tích đất hạn chế nên chính quyền yêu cầu phải xây nhà cao tầng để tiết kiệm đất, do đó giá thành xây dựng sẽ cao, cho dù đã trừ đi các ưu đãi của nhà nước. Đây là những đô thị không khuyến khích làm nhà thấp tầng nên việc xây nhà 4 triệu đồng/m2 dường như là không thể.
Trước câu hỏi của người dân: “Với những người không thể tiết kiệm được nhiều hơn 1 triệu đồng/tháng thì liệu có mua được nhà hay không? - Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, phần đông người thu nhập thấp sẽ không thể mua được nhà ở với mức giá như hiện nay”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đưa ra lời khuyên, rằng người dân nên chuyển từ tư duy sở hữu nhà ở sang việc cần có chỗ ở có chất lượng hơn bằng cách đi thuê nhà.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, hiện nhà ở cho thuê vẫn chủ yếu do người dân làm nhưng trong thời gian tới với Chiến lược nhà ở đến 2020, Chính phủ sẽ nỗ lực để tạo ra một nguồn cung nhà cho thuê do nhà nước tự đầu tư hoặc hỗ trợ để cho người dân thuê nhiều hơn.
Với những người đang phải thuê nhà, Bộ trưởng Dũng cũng trấn an rằng, không phải chờ đến 2020 mới có thể cải thiện được chỗ ở bằng cách thuê hoặc mua, mà từ nay đến thời điểm đó sẽ có một quỹ nhà ở nhất định để người dân sẽ lần lượt được tiếp cận với nhà ở xã hội tùy theo điều kiện của mình. Còn về lâu dài, chỉ khi nguồn cung nhà ở đủ với nhu cầu thì người dân sẽ được tiếp cận.
Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong chiến lược nhà ở, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định, đó là quyết tâm của Chính phủ. Quan điểm đã được khẳng định là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và người dân.
Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng phải chịu trách nhiệm xây dựng khung pháp lý tạo môi trường phát triển nhà ở xã hội. Có yêu cầu phải đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội trở thành một chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong ngắn, trung và dài hạn của tất cả các địa phương. Do đó, việc thành công của chiến lược nhà ở xã hội hay không có vai trò quyết định của chính quyền mỗi địa phương.
Theo UBND thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm này, trên địa bàn Thành phố hiện có 6 dự án nhà thu nhập thấp (Kiến Hưng - Hà Đông; Sài Đồng - Long Biên; Đặng Xá - Gia Lâm; Đại Mỗ - Từ Liêm và CT1 Khu dân cư Ngô Thì Nhậm - Hà Đông) với tổng số 3.750 căn hộ đã và đang được chào bán trên thị trường.
Ngoài ra, một số địa phương khác như Tp.HCM, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế cũng đã đầu tư một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, với mức giá bán dao động từ 6 – 13 triệu đồng/m2, vẫn được cho là vượt quá khả năng chi trả của những người thu nhập thấp.
Chính vì nguyên nhân đó, hiện không chỉ ở Hà Nội mà các địa phương khác, nhiều dự án nhà cho người thu nhập thấp không được người dân quan tâm, chú ý. Thậm chí, mới đây tại Thừa Thiên Huế, do nhà bán theo dạng cho người thu nhập thấp bị ế ẩm, cơ quan quản lý và chủ đầu tư đã kiến nghị chuyển thành nhà ở thương mại để bán ra thị trường.