Tháng 8 tới, cán bộ, công chức và đối tượng chính sách ở Đà Nẵng sẽ có cơ hội sở hữu căn hộ chung cư diện tích từ 50 – 55 m2 ở Q.Sơn Trà với giá 350 - 400 triệu đồng/căn. Đây là chủ trương mà TP Đà Nẵng đang xem xét thông qua, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ công chức và đối tượng chính sách an cư, lập nghiệp.
Nhiều ưu đãi
Hơn 350 căn hộ chung cư nói trên nằm trong chương trình nhà ở xã hội, do Công ty CP tập đoàn xây dựng và phát triển nhà - Vicoland và Liên danh DMC-579 làm chủ đầu tư, được thành phố mua lại. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết người được mua nhà chỉ phải trả 50% số tiền (170 - 200 triệu đồng), số còn lại sẽ trả dần trong 9 năm, với mức lãi suất ưu đãi.
Với việc bán rẻ nhà, đất hy vọng "băng" BĐS sẽ được phá vỡ. Ảnh: Nguyễn Hữu.
Một chương trình kích cầu khác là bán đất nền giá ưu đãi, nhằm hỗ trợ cán bộ, công chức (trưởng, phó phòng, ban trở lên) để làm nhà đang được UBND TP Đà Nẵng bàn thảo. Nhiều ý kiến đề xuất giảm giá tới 40%, tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng đang nghiêng về hướng giảm 30% kèm điều kiện phải nộp tiền một lần.
Mới đây, Tập đoàn VinaCapital phối hợp với Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) cũng công bố chương trình hỗ trợ mua nhà tại các dự án BĐS do tập đoàn này đầu tư xây dựng tại Đà Nẵng, bao gồm khu nghỉ dưỡng phức hợp Đà Nẵng Beach Resort và cao ốc căn hộ cao cấp 34 tầng Azura nằm bên sông Hàn, với lãi suất 12%/năm. Ông Lê Minh Phúc, Tổng giám đốc VinaCapital Đà Nẵng, cho biết người mua căn hộ ở Cao ốc Azura còn được VinaCapital hỗ trợ thêm lãi suất 3%/năm trong hai năm đầu.
Cần mở rộng đối tượng
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ, các chính sách trên rất dễ xảy ra phản ứng ngược. Ông Nguyễn Văn Hòa, một chuyên gia thị trường BĐS, phân tích: “Hiện cả nước chỉ duy nhất Đà Nẵng có chính sách giảm giá nhà đất 30-40% cho cán bộ, công chức và gia đình chính sách. Nếu làm tốt giải pháp này, Đà Nẵng không chỉ sẽ tiên phong trong an sinh xã hội, mà còn góp phần rất lớn trong phá vỡ “băng” BĐS tồn tại suốt 3 năm qua.
Ông Hòa cũng đề xuất chính quyền Đà Nẵng nên mở rộng đối tượng cán bộ, công chức, chứ không nên chỉ dừng lại ở những người là trưởng, phó phòng, ban như hiện nay, bởi lẽ, đại đa số các trưởng, phó phòng, ban không thực sự bức xúc về nhà ở, dù ít, dù nhiều họ đã có nhà.
Ông Trần Văn Nam, một công chức về hưu, cũng cho rằng chính quyền nên giảm giá đất cho những cán bộ công chức đang khó khăn về nhà ở. “Nếu cứ ưu tiên cho trưởng, phó phòng, ban thì rất dễ xảy ra tình trạng mua đất ưu đãi từ 30-40% rồi bán lại cho người khác với giá cao hơn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn tốt thì sẽ tạo điều kiện cho một nhóm người được hưởng lợi, còn đa số cán bộ, công chức thực sự khó khăn về nhà ở lại không có cơ hội sở hữu, phải mua đất với giá cao”, ông Nam cảnh báo.
Nhiều chuyên gia cũng quan ngại về tính khả thi của việc DN hỗ trợ lãi suất cho người dân sở hữu nhà. Vì thực tế đã có nhiều DN hứa, nhưng khi người dân đến mua thì viện đủ lý do để từ chối. Thậm chí, nhiều DN còn dùng chiêu hỗ trợ lãi suất để “đánh bóng thương hiệu”, nhằm huy động vốn từ người dân, ngân hàng rồi chây ì, không bàn giao nhà đúng như cam kết. |