Quan điểm cho rằng, chỉ mất một tháng để phá băng thị trường bất động sản bằng cách chủ đầu tư giảm giá bán hơn nữa được các chủ đầu tư tại TP. HCM đánh giá là cực đoan.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó tổng giám đốc Công ty Đất Lành đồng ý rằng, giảm giá bán căn hộ là một yếu tố quan trọng để bán được hàng, nhưng phải hội đủ các yếu tố khác như căn hộ diện tích nhỏ, đáp ứng các tiện ích cuộc sống. Lấy Thái An 3 và 4 do Đất Lành đầu tư làm ví dụ, 800 căn hộ của các dự án đã được bán 90% và đợt đầu bàn giao nhà khoảng 160 hộ dọn đến ở. Giá bán căn hộ tại các dự án này là 14 - 15 triệu đồng/m2, cao hơn các dự án lân cận 2 - 3 triệu đồng/m2 nhưng vẫn được người mua lựa chọn vì diện tích căn hộ nhỏ hơn và thiết kế hợp lý.

Hình ảnh khách hàng tham quan đông vui thế này là niềm mơ ước của nhiều chủ dự án bất động sản hiện nay

CTCP Đầu tư Nam Long là số ít doanh nghiệp vẫn công bố bán hàng trong năm qua và số lượng căn hộ tồn kho không lớn. Ông Nguyễn Minh Quang, Phó tổng giám đốc Nam Long nhận định: “Giảm giá có tác động đến sức mua, nhưng không phải là yếu tố quyết định. Với kinh nghiệm phát triển sản phẩm dành cho người thu nhập trung bình và khá, chúng tôi nhận thấy rằng, tỷ lệ người mua để cho thuê hay đầu tư chỉ chiếm 20 - 30% dự án. Nếu giảm giá chỉ thu hút thêm được đối tượng khách hàng này. Còn lại, đa số người mua để ở thật sự vẫn đang lưỡng lự do những khó khăn của kinh tế ảnh hưởng đến khả năng thu nhập và chi tiêu của họ”.

Thực tế cũng cho thấy, không ít dự án, sau khi được chủ đầu tư hạ giá khủng để bán tháo vẫn không được tiếp tục triển khai. Lý giải nguyên nhân này, nhiều người cho rằng, việc giảm giá quá mạnh khiến doanh nghiệp chỉ đủ tiền để trả lãi vay, xây thô chứ không đủ tiền để hoàn thiện, chưa kể chủ đầu tư sử dụng tiền huy động sai mục đích. Vì vậy, nếu không có tổ chức nào đứng ra giám sát, đánh giá năng lực của chủ đầu tư đại hạ giá căn hộ, thì người mua sẽ chịu rủi ro rất lớn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM cho biết, các chủ đầu tư cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định giảm giá. Nếu giảm giá mà bán được hàng, nếu có lỗ, nhưng trong ngưỡng chấp nhận được thì nên giảm giá bán. Còn nếu giảm giá xuống dưới ngưỡng thế chấp ngân hàng thì không nên.

Về việc giảm giá thành xây dựng để giảm giá bán sản phẩm, ông Châu cho biết, giảm giá thành doanh nghiệp không thể chủ động, bởi giá thành phụ thuộc vào tiền sử dụng đất, lãi suất và thủ tục hành chính kéo dài. Hiện nay, tiền sử dụng đất vẫn chưa giảm, trong khi lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại, nên rất khó để doanh nghiệp hạ giá thành xây dựng.

“Xử lý hàng tồn kho bất động sản phải là giải pháp tổng thể, trong đó chủ đầu tư giảm giá xuống mức thấp nhất có thể, nhưng Nhà nước cũng cần kích cầu bằng các khoản vay lãi suất ưu đãi cho người mua căn hộ đầu tiên, hay các gia đình muốn tăng diện tích nhà ở lên mức từ 5 m2/người trở lên”, ông Châu nói và cho biết, Hiệp hội bất động sản TP. HCM đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước dùng một phần vốn để hỗ trợ cho người mua nhà với lãi suất 8%/năm, tương đương lãi suất tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại. Nguồn vốn này chỉ cần giải quyết được khoảng 10.000 căn hộ tồn kho hiện tại cũng sẽ tạo động lực cho thị trường. Giải phóng hàng tồn kho bất động sản chỉ bằng giảm giá là không có cơ sở.

Trong hơn một tuần qua, thông điệp từ lãnh đạo Bộ Xây dựng về tình trạng khẩn cấp của tồn kho bất động sản được phát đi khá mạnh mẽ. Để giải cứu bất động sản, Bộ Xây dựng đề xuất cho phép xây dựng căn hộ nhỏ, giảm lãi suất cho người mua nhà, giảm thủ tục hành chính cho dự án… Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đề xuất này là quá muộn. Nếu Bộ đưa ra từ đầu năm thì tình hình thị trường bất động sản sẽ sáng sủa hơn hiện nay. Tuy nhiên, sự vào cuộc của Bộ Xây dựng để phá băng bất động sản tuy muộn màng, nhưng vẫn được các doanh nghiệp coi là một tín hiệu để hy vọng.

Theo Thu Hương (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.