06/09/2011 3:51 AM
Quyết định hạ lãi suất cho vay và áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa bằng VND được một NHTM thuộc nhóm lớn nhất nước công bố hôm qua (5.9), tiếp tục hiện thực hoá mục tiêu giảm lãi vay ngay trong tháng 9 này. Hiệu ứng giảm lãi suất dây chuyền nhiều khả năng sẽ lan rộng, với sự hỗ trợ tích cực của NHNN.

Hiệu ứng lan truyền



Sau một loạt chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi giảm tới 1-2%/năm được hàng chục ngân hàng thương mại (NHTM) công bố thời gian qua, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển VN (BIDV), trưa 5.9 chính thức công bố áp dụng trần lãi suất cho vay VND mới với mức cao nhất không quá 19%/năm dành cho nhóm khách hàng sản xuất. Đây cũng là khoảng lãi suất nằm trong mục tiêu đưa lãi vay VND đối với sản xuất kinh doanh về 17-19%/năm mà lãnh đạo NHNN đặt ra ngay trong tháng 9 này.


Nổi sóng hạ lãi vay tiền đồng

BIDV khẳng định, kể từ ngày hôm nay (6.9), lãi suất cho vay sản xuất bằng VND sẽ được giảm về mức không quá 18%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và không quá 19%/năm đối với khoản cho vay trung - dài hạn. Riêng các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực thu mua nông thuỷ sản xuất khẩu, nông nghiệp và các DN nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay 10.000 tỉ đồng, với lãi suất cho vay ưu đãi từ 15% đến 17,5%/năm.


Theo một lãnh đạo của BIDV, các mức lãi suất trên đây được đưa ra trên cơ sở BIDV nhất quán điều hành kiểm soát tăng trưởng tín dụng không quá 19% so cuối năm 2010 và tuân thủ chấp hành các quy định về điều hành tín dụng của NHNN.


Một diễn biến đáng chú ý khác là BIDV không hề đóng cửa đối với tín dụng phi sản xuất. Tuy nhiên, lãi suất cho vay đối với nhóm khách hàng này sẽ ở mức cao. Cụ thể, lãi suất cho vay kinh doanh chứng khoán và bất động sản tối thiểu sẽ là 19,0%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và 19,5%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn.


Đây là NHTM đầu tiên công bố áp dụng trần lãi suất cho vay VND tối đa đối với nhóm khách hàng sản xuất, theo sau định hướng giảm lãi suất cho vay đối với nhóm này về 17-19%/năm của NHNN. Trước đó, cũng có hàng loạt NHTM công bố các gói cho vay ưu đãi với mức lãi suất cho vay giảm khoảng 1-2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Các gói cho vay này hướng đến các nhóm khách hàng sản xuất riêng biệt theo định hướng kinh doanh của mỗi ngân hàng. Trong số này, mới đây nhất SHB công bố kế hoạch dành 2.000 tỉ đồng tài trợ cho vay phát triển nông nghiệp


Vỡ mục tiêu khống chế tín dụng?

Dù nhận được sự chào đón của số đông các khách hàng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, sản xuất và xuất khẩu, việc lãi vay có xu hướng giảm dấy lên những nghi ngại về khả năng kiềm giữ lạm phát và tăng trưởng tín dụng dưới 20% trong các tháng cuối năm theo. Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 1.9, Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình - cho rằng, với các biện pháp của NHNN vừa đưa ra, nhất định trong thời gian tới mặt bằng lãi suất sẽ có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Cụ thể, mặt bằng lãi suất đang và sẽ hạ là theo diễn biến lạm phát đang có xu hướng giảm. Hơn nữa, cung - cầu vốn của nền kinh tế cho thấy nếu cứ để mức lãi suất cao, bản thân NHTM cũng không cho vay ra được. “Như vậy, giảm lãi suất là đòi hỏi của nền kinh tế và hệ thống NHTM” – ông Nguyễn Văn Bình nói. Mặt bằng lãi suất theo đó sẽ có những chuyển biến tích cực trong mặt bằng lãi suất, nhưng vẫn trên bình diện là chống lạm phát.

Trong khi đó, theo số liệu thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay VND trong tháng 8.2011 vẫn tương đối ổn định. Hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục thu hút được nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong xã hội. Tính đến ngày 19.8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD ước tăng 3,04% so với tháng trước (trong đó tiền gửi VND tăng 3,32% và tiền gửi ngoại tệ tăng 1,81%) và tăng 8,44% so với cuối năm trước. Điểm đáng lưu ý là tính đến thời điểm trên, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tăng 8,15%. So với mức tăng trưởng mục tiêu khống chế dưới 20%, dư địa tăng trưởng tín dụng 4 tháng cuối năm là còn rất lớn.

Song theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, đến nay tăng trưởng dư nợ thực tế (tính cả các khoản đầu tư) của hệ thống ngân hàng đã khoảng 11,7%. Như vậy, nếu thực hiện đúng nghị quyết của Chính phủ chỉ tăng dưới 20% (có thể là 18%), tăng trưởng tín dụng tính đến thời điểm hiện nay thực hiện được 70% kế hoạch năm. Với mức tăng này, mức tăng tín dụng những tháng cuối năm sẽ không nhiều như dự đoán và vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Lãi suất khó giảm nhanh

Theo thông tin từ các ngân hàng (NH) thương mại, mặc dù lãi suất đang có xu hướng giảm, nhưng trên thực tế, việc hạ nhanh lãi suất huy động và cho vay trong tình hình hiện nay không phải là việc dễ thực hiện. Tuy thanh khoản đã bớt căng thẳng, nhưng nguồn huy động vẫn chưa dồi dào. Các NH thương mại cũng muốn đưa lãi suất xuống thấp nhưng vẫn trong tình trạng “nhìn nhau”, chưa ai dám đi tiên phong vì sợ mất khách hàng. Tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết: “Lãi suất huy động vẫn vượt “trần” 14%, việc thương lượng giữa NH và khách hàng vẫn diễn ra. NH nào hạ lãi suất trước không chỉ bị giảm nguồn vốn huy động, khách hàng bỏ đi mà sẽ làm ảnh hưởng đến các dịch vụ khác. Vì vậy, lãi suất không dễ gì hạ ngay được nếu chưa có chính sách mới từ NHNN”.

Trên địa bàn TPHCM, tín hiệu cho thấy tình hình được “cải thiện” hơn là điều kiện thương lượng lãi suất tiền gửi đặt ra cao hơn. Trước đây, khách hàng chỉ cần khoảng 500- 600 triệu đồng là đủ để “ép” NH phải cho hưởng mức lãi suất cao nhất. Nay cần phải có từ 1 tỉ đồng trở lên mới có thể buộc các NH thương mại nhỏ chấp nhận mức 18 - 19%, từ 500 triệu đồng trở lên mới có thể thương lượng được 16 - 17%. Những khách hàng có tiền gửi 200- 300 triệu đồng không có khả năng đòi hỏi lãi suất vượt “trần”.

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân - thành viên HĐ Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - để hạ lãi suất VND cần có thời gian chứ không thể thực hiện nhanh. Trước hết, Chính phủ và NHNN cần tuyên bố sẽ xử lý dứt khoát với các trường hợp vi phạm quy định lãi suất, như đã từng “mạnh tay” xử lý tình trạng chợ đen ngoại tệ. Trên thực tế, nhiều NH thương mại cũng muốn hạ lãi suất nếu có tín hiệu rõ ràng, dứt khoát từ cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, NHNN cần có thêm các giải pháp can thiệp để cân đối cung - cầu thị trường, hỗ trợ thanh khoản qua thị trường mở, sẵn sàng cho vay các NH thương mại với lãi suất không quá 14% trong những trường hợp cần thiết. NHNN cần mở rộng các kênh vốn đi qua các NH chủ lực để hỗ trợ các DN trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp. (Trung Phương)

Theo Văn Nguyễn (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.