09/05/2013 7:40 AM
Đã qua rồi cái thời mua đất rừng ở Hà Nội là có lãi, mua xong lướt sóng được cả chục giá. Bây giờ, dân đầu cơ chỉ còn biết ngậm ngùi mong “bao giờ cho đến ngày xưa”. Nhưng cái “ngày xưa” ấy dù đã xa rồi nhưng đã kịp để lại hàng nghìn biệt thự kiên cố giữa rừng Sóc Sơn, Ba Vì…

Sự nhanh nhẹn của giới đầu cơ…

Tháng 2/2013, UBND TP Hà Nội công bố kết quả rà soát 56 Cty nông - lâm nghiệp, nông trường, lâm trường với tổng diện tích đất được giao khoảng 16.462,7ha. Đa số các nông - lâm trường này đều kinh doanh kém hiệu quả. Hiện có gần 111,41ha đất do các đơn vị này quản lý đang bị lấn chiếm hoặc bỏ hoang.
Con số này thực tế là đáng báo động về tình trạng quản lý yếu kém của các nông – lâm trường trên địa bàn Thành phố.

đất rừng Ba Vì, Sóc Sơn, xẻ đồi làm biệt thự, cò đất, mua đất, mua nhà

27 ngôi biệt thự mọc lên trên khu đồi Đá Bạc (Yên Bài) có diện tích cả hàng ngàn m2 vốn là rừng keo (Ảnh: Hồng Khanh)

Cụ thể, Cty CP Việt Mông đã chuyển thành đất ở hơn 39,2ha; 11,6ha khác bị lấn chiếm. Cty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển nông - lâm nghiệp Sóc Sơn có 31ha đất xây dựng nhà cửa, 13,8ha khác đang bị lấn chiếm, tranh chấp; trạm nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môncađa bị lấn chiếm 43,7ha và 20,6ha khác đã biến thành đất ở; Cty cổ phần giống gia cầm Ba Vì có diện tích chuyển mục đích thành đất ở là 20,81ha...
Khảo sát của PV VLand tại một loạt các nông trường này cho thấy, sau cơn sốt đất năm 2010, hàng loạt diện tích đất nông trường được rao bán qua cò đất. Tại nông trường Việt Mông, giao dịch ngày đó diễn ra khá sôi động với giá cao ngất ngưởng tính theo mét dài của đất. Thường thì những chủ đất này sẽ có khoảng 400m2 đất thổ cư trong hơn 2000m2 đất. Còn lại là đất trồng rừng 50 năm. Những lô đất này được giao dịch khá nhanh, để từ năm 2010 đến nay, không biết bao nhiêu biệt thự, nhà vườn đã chen nhau mọc lên ở khu vực này.
Rất nhiều trường hợp người dân được giao đất nông lâm trường đã tự ý bán, thậm chí gửi cả hợp đồng khoán nhận đất cho các văn phòng nhà đất để bán với giá cao trong cơn sốt đất Ba Vì vừa qua. Nhưng khu nông trường, lâm trường sôi động hàng ngày với hàng trăm người nông dân rũ bùn đứng dậy … biến thành "cò" đất. Nhiều người lên giao dịch thời này đều biết rằng, đây là đất nông trường, mua bán thì “không rõ đúng luật hay sai” nhưng rõ ràng, ngày đó, cứ mua được đất là lãi, lướt sóng ầm ầm.
Ngày đó, những con đường dẫn vào nông trường Việt Mông, Xuân Mai, Làng Văn hóa luôn luôn tắc nghẽn vì ô tô sang từ Hà Nội kéo về. Chỉ cần chậm đặt cọc xuống tiền, một phút sau sẽ có chiếc xe con sang hơn mạnh tay đặt cọc.
Đất thiếu đai hay chính quyền quản lý yếu?
Tại thời điểm sốt đất, UBND huyện Ba Vì đã thành lập một tổ công tác chuyên trách để rà soát việc vi phạm đất đai trên địa bàn một số xã, như: Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh để xử lý trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, sự vào cuộc này xem ra khá muộn mằn khi những mảnh đất thuộc quản lý Nhà nước đã bị băm vằm ra để bán chác. "Bong bóng" bất động sản ở Ba Vì đã vỡ nhưng không phải do sự vào cuộc của chính quyền địa phương mà bắt nguồn từ chính sự non nớt và thiếu kinh nghiệm của các nhà đầu tư. Nhưng giờ chính quyền Sóc Sơn, Ba Vì có muốn trở tay cũng không thể kịp nữa khi trập trùng giữa các ngọn núi, khu đồi đã là những biệt thự kiên cố, chắc chắn.

đất rừng Ba Vì, Sóc Sơn, xẻ đồi làm biệt thự, cò đất, mua đất, mua nhà

Nhiều thửa đất được người dân vô tư rao bán chỉ với bản hợp đồng như thế này và những mảnh giấy viết tay (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

PV VLand khi đi khảo sát khu vực Ba Vì đã có lần hỏi “cò đất” (anh này xuất thân từ nghề đào vàng giải nghệ), khu đất trước mặt biết rằng sẽ đẹp, sẽ có một “khu trung tâm hành chính về đây”, nhưng làm sao để hợp thức hóa khu đất, làm sao có sổ đỏ, anh "cò" mau mắn trả lời “có quan hệ là khắc có sổ, ở đây chính quyền toàn anh em cả, chỉ cần chị quyết mua là sẽ có giấy tờ”.

Thực tế đến giờ này, khi cơn sốt đất đã qua, dọc đường lên Ba Vì, lên nông trường Việt Mông, chỉ cần dừng xe lại quán nước hỏi han về đất, vẫn có "cò" nhiệt tình chỉ dẫn, phóng xe máy đưa khách đi xem, dù giá cả đã không còn cao như trước.
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, trong một lần trao đổi với báo giới đã cho biết Bộ Xây dựng đã đề nghị Hà Nội không cho sang tên, đổi chủ những trường hợp đất chưa đủ thủ tục, giấy tờ và chưa nộp thuế để hạ giá "cơn sốt" đất. Việc quản lý đất nông trường, đất rừng còn lỏng lẻo và chồng chéo dẫn đến mua bán, chuyển nhượng lộn xộn mà chính quyền địa phương không kiểm soát được.
Nhưng chính quyền địa phương vào cuộc kiểm soát đến đâu chưa rõ, chỉ biết rằng, hàng trăm biệt thự của các đại gia Hà Thành giờ đã kiên cố trên Ba Vì, Sóc Sơn… và chính quyền địa phương vẫn chỉ im lặng…
Hải Bình (VLand)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.