15/08/2013 7:41 AM
Tình trạng đóng băng kéo dài của thị truờng bất động sản (BĐS) và sự ế ẩm của những "khu đất vàng" đã kéo theo hệ lụy tất yếu khiến ngay cả những "ông lớn" trong lĩnh vực BĐS cũng lâm vào cảnh khó tìm thấy lối thoát. Và từ đây phát sinh những vấn đề phức tạp khác mà cả doanh nghiệp và cơ quan chức năng đều khó xử.

Điểm mặt các khu "đất vàng" bị bỏ hoang

Một thực tế tồn tại từ mấy năm nay là nhiều khu đất vàng trên địa bàn Hà Nội đã bị bỏ hoang nhiều năm. Rất nhiều "đại gia" BĐS đang để hàng loạt dự án trên những khu đất vàng "nằm bất động" vượt quá thời hạn quy định. Năm qua, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã đề xuất lên UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi hàng nghìn mét vuông đất của nhiều công ty, xí nghiệp tại nhiều vị trí đắc địa.

Khu đất dự án mà Tập đoàn Tân Hoàng Minh chậm nộp thuế sử dụng đất.

Được xem là khu vực đất vàng ở Hà Nội nhưng quận Tây Hồ lại đang tồn tại nhiều khu đất diện tích từ vài nghìn đến cả chục nghìn mét vuông do các đại gia đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) rồi để hoang nhiều năm nay. Các lô đất Dl, D3, D5, D6, D7 và D9 trong khu đấu giá QSDĐ tại phường Phú Thượng và Xuân La, quận Tây Hồ mặc dù được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 từ tháng 5-2004 nhưng hiện giờ vẫn án binh bất động.

Riêng lô D1 do Công ty CP Lắp máy - Điện nước và Xây dựng thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư đã rộng 8.798m2. Lô D3 rộng 17.127m2 do 7 đơn vị quản lý: Công ty CP Xây dựng dân dụng Hà Nội - 2.515m2, Công ty Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng - 3.331m2, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Gia Lâm - 2.789m2, Tổng Công ty Xây dựng Sông Hồng - 1.850m2, Công ty TNHH Thương mại Hồng Lam - 2.133m2, Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội - 1.885m2, Vinaconex - 2.624m2. Hai lô D5, D6 thuộc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Tiến Lộc, Công ty Xây dựng - Thương mại Việt Nhật, Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trường An, Công ty CP Đầu tư Song Kim, Vinaconex, Công ty TNHH Dược thú y Thăng Long... quản lý đều có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông nhưng cũng… để không.

Theo Sở TN&MT Hà Nội, tổng diện tích đất đấu giá QSDĐ ở khu vực này là 88.735m2, đã nộp ngân sách trên 1.575 tỷ đồng, gồm 6 ô Dl, D3, D5, D6, D7 và D9, gồm 261 lô đất. Hiện có 126 lô đất chưa sử dụng, trong đó 88 lô thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân và 38 lô của các tổ chức (các ô D1, D3, D5 đấu giá năm 2004; D6, D9 đấu giá năm 2006). Ngoài ra, tại quận Tây Hồ, Sở TN&MT đề xuất thu hồi 10 lô đất, trong đó có lô đất tại số 4 ngõ 108 An Dương rộng 3.158m2; lô đất tại số 17-19 Thụy Khuê rộng 2.133.9m2 đang để hoang hóa.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Sở TN&MT cũng đề xuất thu hồi 7 lô đất, trong đó có 1.800m2 đất tại phố Hàng Khoai; 1.000m2 đất tại số 88 Hàng Buồm; 110m2 đất tại số 49 Phan Bội Châu; 275m2 đất tại số 4 Tống Duy Tân; 168m2 đất tại số 68 Hàng Quạt.

Hiện nay, quận Ba Đình có ít nhất 9 dự án đã để hoang từ lâu. Điển hình là dự án 4.000m2 tại cụm 5 phường Ngọc Hà được UBND thành phố giao Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội lập dự án phát triển nhà ở từ năm 2003. Tiếp đến các dự án như dự án xây dựng nhà ở được giao từ năm 2002 tại xứ đồng Đống Nước trong ngõ 173 Hoàng Hoa Thám; dự án có diện tích đất rộng 9.771m2 được thành phố giao từ năm 1998 tại khu vực ao Út Tu thuộc phường Cống Vị cho Công ty cổ phần Tập đoàn Ba Đình xây dựng nhà ở để bán; dự án rộng gần 3.000m2 đất được thành phố giao từ năm 1999 tại khu vực hồ Thương Binh thuộc phường Kim Mã giao cho Công ty cổ phần tập đoàn Ba Đình xây nhà bán; dự án tại 11-13 Nguyễn Chí Thanh thuộc phường Ngọc Khánh của hai nhà đầu tư gồm Công ty sản xuất kinh doanh đầu tư & dịch vụ Việt Hà và Công ty CP Sông Đà - Thăng Long...

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có tới 13 khu đất thuộc diện sẽ thu hồi. Cụ thể là 2.500m2 đất tại số 114 Mai Hắc Đế; 4.000m2 đất tại 67 Ngô Thì Nhậm; 465m2 đất tại 60 Ngô Thì Nhậm; 4.000m2 đất tại 94 Lò Đúc; 406m2 đất tại 60 Hàng Chuối; 6.142,4 đất tại số 65 Cảm Hội; 707,5m2 đất tại 170 - 176 Lò Đúc; 2.186,6m2 đất tại phường Bách Khoa.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy, Trung Hòa là phường điển hình có nhiều khu đất vàng bị bỏ hoang. Trên địa bàn phường và những phường giáp ranh có các khu đô thị (KĐT) như Trung Yên; Nam Trung Yên; Trung Hòa - Nhân Chính và Đông nam Trần Duy Hưng. Trong các KĐT này, khu nào cũng có vài lô, thậm chí hàng chục lô đất để không từ nhiều năm.

Nếu đi một vòng từ Lê Văn Lương rẽ phải vào Phạm Hùng rồi rẽ phải tiếp vào các đường nhánh sẽ thấy hiện trạng hoang vắng của nhiều khu đất. Có khu đất chủ đầu tư cho thuê làm sân bóng, bãi đỗ xe mà không thấy triển khai xây dựng. Từ đường Phạm Hùng rẽ phải vào đường bên hông của tòa nhà Keangnam cũng tồn tại nhiều mảnh đất để cỏ mọc. Những mảnh đất này đều là của các chủ đầu từ tầm cỡ như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện tử và Tin học Việt Nam, Công ty CP Sữa Việt Nam, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam; Tổng công ty Trường Sơn; Tổng Công ty Máy và thiết bị công nghiệp; Tổng công ty CPTM & Xây dựng; Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam...

Ngay mặt đường Trần Duy Hưng, khu đất khu vành khăn, nằm đối diện với Trung tâm thương mại BigC, được giao cho Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn để không. Ngay ngã tư Lê Văn Lương - Hoàng Đạo Thúy cũng là một khu đất đã bị bỏ hoang nhiều năm nay.

KĐT mới Cầu Giấy cũng nằm trong tình cảnh chung. Tại khu này, giá đất có lúc đã lên đến hơn 200 triệu đồng/m2, mỗi một biệt thự khoảng 250m2 - 300m2 có giá hơn 60 tỷ đồng nhưng gần 5 năm nay cũng bỏ hoang. Tại KĐT này, Sở TN&MT đã phát hiện khu đất của Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có diện tích trên 5.000m2. Đây là khu đất có vị trí đắc địa ngay mặt đường Trần Thái Tông (đối diện Cung tri thức Thủ đô) nhưng đến nay vẫn chỉ có hàng rào bằng tôn.

Theo kiểm tra của liên ngành thành phố, dự án Khách sạn 5 sao tại xã Mễ Trì (Từ Liêm), sau khi giải phóng mặt bằng, khu đất rộng gần 46.000m2 này đã được chuyển thành sân bóng mini, bãi để xe và kinh doanh ăn uống, giải khát. Từ đầu 2010, thành phố đã lựa chọn Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc làm chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoa Sen tại vị trí này. Cách đó không xa là những khu đất nằm 2 bên đường Lê Đức Thọ (huyện Từ Liêm) cũng để không hoặc sử dụng không đúng mục đích giao đất.

Dự án nhiều trong khi đất vàng bị bỏ hoang có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân các chủ đầu tư khó khăn về tài chính, do thị trường BĐS giảm sâu, do hậu quả của "phong trào chộp" dự án…

"Ông lớn" cũng "chậm" nộp thuế

Theo thông tin từ Chi cục Thuế quận Đống Đa (Hà Nội), dự án D'.Le Pont D'or (Hoàng Cầu, quận Đống Đa) do Tập đoàn Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư hiện đang nợ khoảng 142 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất. Mặc dù cơ quan thuế đã nhiều lần thúc giục nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Theo thông tin ban đầu, dự án D'.Le Pont D'or bao gồm tòa tháp đôi 23 tầng nổi và 4 tầng hầm với chiều cao 80m, được thiết kế theo phong cách hiện đại và sang trọng. Được xây dựng trên diện tích hơn 2.244m2, dự án bao gồm các khu dịch vụ thương mại, nhà trẻ, khu sinh họat cộng đồng… và 308 căn hộ cao cấp. Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ được khởi công vào năm 2012, song thực tế đến tháng 3-2013 công trình mới được tập đoàn Tân Hoàng Minh tiến hành động thổ và đến thời điểm này vẫn chưa triển khai xây dựng. Chiều 14-8, khi làm việc với lãnh đạo Báo Hànộimới, bà Vi Thị Thu Hà - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết: Tân Hoàng Minh chậm nộp thuế sử dụng đất vì 2 lý do; một là có chút khó khăn về tài chính; hai là còn chờ quyết định của Thành phố duyệt văn bản của liên ngành đề xuất Tân Hoàng Minh dãn tiến độ theo quy định mới của Nhà nước.

Một dự án khác không kém phần "đình đám" của Tân Hoàng Minh là dự D'Palais de Louis nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên. Được thiết kế sang trọng với nội thất và trang thiết bị xa xỉ, giá bán căn hộ được Tân Hoàng Minh tiết lộ lên tới gần 100 triệu đồng/m2. Theo tính toán, căn hộ có giá thấp nhất của dự án khoảng 12 tỷ đồng và đắt nhất lên tới… vài triệu đôla Mỹ. Khi công bố mở bán dự án này, Tân Hoàng Minh rất tự tin sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm 2013, nghĩa là sớm hơn so với tiến độ đề ra và cam kết với khách hàng. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, đến nay dự án này khó có thể hoàn thành theo tiến độ đã cam kết.

Trong khi đó, gần đây Tân Hoàng Minh đã tiến hành động thổ Dự án D'.San Raffles tại địa chỉ 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm) sau thời gian dài nằm chờ. Là một dự án BĐS hỗn hợp gồm trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và căn hộ, chỉ cách Hồ Gươm vài phút đi bộ, D'.San Raffles được cả chủ đầu tư và giới kinh doanh BĐS đánh giá là "không có đối thủ". Đây cũng là dự án từng gây ồn ào dư luận cách đây 2 năm với số tiền đền bù kỷ lục lên tới cả 1 tỷ đồng/m2.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và thị trường BĐS đang giảm sâu, nhưng Tân Hoàng Minh rất tin vào hướng đi của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS nhận định, với việc triển khai dự án nhà siêu sang, Tân Hoàng Minh sẽ phải đối mặt với hàng loạt khó khăn bởi đây là phân khúc có tính thanh khoản chậm, các nhà đầu tư rất dè chừng và kỹ tính trong việc lựa chọn và đầu tư tiền của vào các dự án này.

Đối với việc "chậm" hay "nợ" thuế sử dụng đất tới 142 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh, chúng tôi sẽ lý giải thấu đáo vào số báo ngày mai.
Nhóm PV điều tra (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.