12/05/2013 4:42 PM
Nếu nhìn kỹ hơn vào những yếu tố vĩ mô vẫn thấy điểm tích cực trong xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Dù biết rằng đó là sự ổn định tuy mang tính tạm thời và không thật vững chắc. Chúng ta muốn khôi phục sự hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp, nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực thì phải tin vào điểm sáng, tạo cơ hội để chúng có tính lan tỏa.
Trao đổi với Đại Đoàn Kết, TS. Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm thông tin thương mại và công nghiệp, Bộ Công thương nói: "Duy trì hi vọng vào sự chuyển động của nền kinh tế”.
Chậm nhưng chắc
- PV: Khó khăn về nợ xấu, tồn kho cao, số lượng doanh nghiệp phá sản lớn… sẽ còn kéo dài, tiếp tục tác động và cản trở sự phát triển của kinh tế trong chặng đường dài kế tiếp. Tuy nhiên, nhìn lại nền kinh tế 4 tháng đầu năm vẫn có những điểm sáng hiếm hoi. Ông có đồng tình với quan điểm này không?
-
TS Lê Quốc Phương
TS Lê Quốc Phương: Đúng vậy, 3 điểm nghẽn đó đã làm cho tăng trưởng GDP quý 1 chỉ tăng 4,98%. Đặt trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế đầu năm 2013 bị hẹp lại, khi vốn đầu tư/GDP 29,6 % - thấp với tỷ lệ của cùng kỳ năm trước 36,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá đạt chừng 4,6%, tín dụng tăng thấp… thì con số 4,98% là đáng khích lệ. Nó cũng chỉ ra rằng, Việt Nam đang hướng nền kinh tế tăng trưởng về chiều sâu, chứ không chạy theo tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá.
Điểm sáng thứ hai được nhìn thấy từ điểm sáng thứ nhất đó là: Kết quả xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 19,6%. Trong lúc đó nhu cầu tiêu dùng của thị trường các nước nhập khẩu cũng bị co hẹp. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 17%, trong đó vốn giải ngân tăng 4%. Samsung tiếp tục đầu tư mới một nhà máy có tổng giá trị 4 tỷ USD tại Thái Nguyên. Trong lúc lượng vốn giải ngân của quốc tế hạn hẹp mà mình vẫn thu hút được như vậy là rất tốt.
Điểm sáng nữa đó là chỉ số tiêu dùng CPI tăng thấp với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Xét về mặt tích cực thì đó là niềm vui cho người tiêu dùng, bởi tỷ trọng tiêu dùng lương thực – thực phẩm trong tổng chi tiêu chiếm tỷ lệ cao, thì nay giá lương thực giảm liên tục 0,93%; giá thực phẩm giảm 1,24%. Đây là tín hiệu khả quan, tạo tiền đề để các nhà quản lý, điều hành vĩ mô có thể yên tâm hơn trong việc thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường.
Tiếp đó là lãi suất cho vay đã được kéo giảm mạnh. Trước đây, đỉnh cao của lãi suất huy động có lúc lên đến 18%, lãi suất cho vay 25%. Trong khi đó 5 lĩnh vực cho vay ưu tiên: Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu…chỉ còn lại 11%/năm. Chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý 1 – 2013 vừa rồi tăng khá mạnh so với quý 4- 2012. Đó là 5 điểm sáng trong bức tranh tương đối u ám cần được trân trọng.
Quay trở lại với điểm sáng xuất khẩu với sự đóng góp của nhóm hàng nông lâm thủy sản. Điều đáng lo ngại là, nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế đang gặp khó khi giá xuất khẩu liên tiếp giảm sâu. Thành tích xuất khẩu có được nhờ lấy lượng bù chất. Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản nếu có đó là sự ổn định không thật vững chắc; đó còn là sự tích cóp vụn vặt trên nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực rất chậm chạp và còn nhiều trở ngại?
- Trụ đỡ này thời gian gần đây đang gặp nhiều lung lay, cá tra, gạo…cùng lao đao. Nhưng nhận diện được khó khăn và tìm cách vượt qua nó cũng là đi tìm cơ hội cho nền kinh tế. Trong khó khăn chúng ta vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu gạo trên 8 triệu tấn, đảm bảo được an ninh lương thực… Nông dân Việt Nam làm ra đủ loại nông sản. Có 7 mặt hàng trong tổng số 21 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu từ một tỷ USD trở lên, trong đó gạo, tiêu, cà phê... chiếm vị trí hàng đầu thế giới.
Ví thử giờ đặt ra hai trường hợp: Trong khó khăn chúng ta vẫn có nông nghiệp tăng trưởng nhưng chậm; trong khó khăn chúng ta phải lệ thuộc vào sự viện trợ. Được chì còn hơn mất cả chì lẫn chài chứ. Phải tận dụng thế mạnh nông nghiệp khi kinh tế công nghiệp đóng vai trò là động lực chưa phát huy được. Vì vậy, cần có một chiến lược đầu tư dài hạn cho nông nghiệp. Đảm bảo lợi ích tối thiểu cho người nông dân, không để cảnh người dân làm ra sản phẩm nhưng chịu thiệt, trong khi doanh nghiệp chỉ mua bán lại lãi bội phần.
Chúng ta muốn xuất khẩu bền vững, gốc gác vấn đề hướng tới xuất khẩu sản phẩm thô, nâng cao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến xuất khẩu, phải xuất khẩu sản phẩm tinh, giảm hao hụt sau quy hoạch…Đó cũng là bài toán chúng ta đang vận hành: Chuyển đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.
Thị trường bất động sản bình ổn sẽ có tác dụng lan tỏa tới toàn nền kinh tế . Ảnh: Hoàng Long

Trong vài năm gần đây, Việt Nam đã có thể tăng trưởng lĩnh vực dệt may nhanh chóng nhờ vào mức lương cạnh tranh. Thực tế, ngành quần áo và may mặc sẽ góp phần khoảng 1/5 tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam từ 2013 đến 2015. Nhưng Việt Nam cũng đang phát triển mạnh lĩnh vực viễn thông và ngành này sẽ đóng góp khoảng 10% tăng trưởng xuất khẩu trong 20 năm tới. (Báo cáo triển vọng giao thương của HSBC).

Nên hi vọng vào sự chuyển động của nền kinh tế
Những lĩnh vực lớn của nền kinh tế như bất động sản (BĐS), chứng khoán…vẫn chưa có lối thoát đột phá. Thông tư về gói hỗ trợ BĐS 30.000 tỷ dự kiến sẽ được ban hành được kỳ vọng là cú huých cho thị trường. Cùng thời điểm, lãi suất đang trên đà hạ nhiệt được cho là một trong những thành công trong chính sách tiền tệ, góp phần giúp các doanh nghiệp được vay vốn với giá hợp lý hơn. Theo ông, làm sao để phát huy tối đa hiệu quả các chính sách này?
- Trong năm qua, công tác điều hành kinh tế vĩ mô đã rút được kinh nghiệm và bài học. Giờ Chính phủ đang tìm cách kích tổng cầu, hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2012, chúng ta có Nghị quyết 11, năm 2013, có Nghị quyết 02. Tất cả các nội dung liên quan bao gồm hỗ trợ thị trường BĐS, giãn giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra từ rất lâu.
Nhưng khoảng cách từ lời nói đến hành động quá xa. Độ trễ chính sách kéo lùi tính hiệu quả chính sách. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ bàn mãi nhưng chưa có hướng dẫn văn bản. Lãi suất đã giảm nhưng chỉ giảm so với quãng thời gian năm 2011, 2012 so rộng ra với Myanma, với Thái Lan, với Inddonessia thì mặt bằng lãi suất quá cao. Lãi suất cho vay 13% quá cao so với tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp hiện nay là 10%.
Trong quá trình triển khai lại bị lợi ích nhóm chi phối, người này cản, người kia ngăn. Trong đó tái cơ cấu nền kinh tế với trọng tâm tái cấu trúc ngân hàng thương mại, tái cấu trúc tập đoàn tổng công ty nhà nước là minh chứng điển hình. 2 năm trước đi đâu cũng nhắc tới tái cơ cấu nhưng kết quả đến nay ít ai chỉ ra được ngoài việc mua bán sáp nhập.
Tôi khẳng định rằng, các chủ trương, phương hướng Chính phủ đưa ra là đúng và trúng, nhưng nói thôi thì chưa đủ mà cần phải hành động gấp rút. Chậm ngày nào là nguy hiểm ngày ấy.
Vấn đề mà chúng ta liên tục nhắc đến thời gian qua đó là niềm tin thị trường. Trong tình hình hiện nay, để khôi phục lòng tin của người dân việc đầu tiên phải làm là gì, thưa ông?
- Chúng ta đã có 5 điểm sáng như tôi đã nói ở trên. Đó là sự ổn định tuy mang tính tạm thời của kinh tế vĩ mô và không thật vững chắc nhưng vẫn còn hơn không có gì. Chúng ta có chỗ tựa chân để khôi phục hoạt động trở lại của nhiều doanh nghiệp, nhiều thị trường, nhiều lĩnh vực. Quan trọng là cần có sự quyết liệt hơn cả về chính sách và điều hành để sớm khắc phục những trở ngại, những diễn biến còn khá chậm chạp như hiện nay.
Chính phủ cần điều hành tập trung hơn, đặc biệt là không bị "phân tâm”, không bị áp lực trong điều hành đồng bộ các giải pháp. Đừng thi thoảng ban hành những chính sách "gây sốc, phản cảm” như: Nghị định xử phạt xe không chính chủ…
Dự cảm về nền kinh tế là khá bi quan, nhưng với nhiều nỗ lực chúng ta có quyền hi vọng?
- Dù trong hoàn cảnh nào cũng nên hi vọng vào sự chuyển động của nền kinh tế. Dù khó khăn chúng ta vẫn phải tồn tại. Và để niềm hy vọng này có thể thành hiện thực thì phải chịu đau, chịu khổ. Chính phủ cần khẳng định sự quyết tâm cao độ trong việc đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Trân trọng cảm ơn ông!

Việt Nam cần xác lập những mô hình tăng trưởng mới. Thay đổi tư duy tăng trưởng và hành động quyết liệt hơn, Việt Nam mới có thể tránh và thoát bẫy thu nhập trung bình. Động lực chính vẫn là thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế dân doanh với 3 trụ cột chính: Áp dụng công nghệ cao trong sản xuất trên nền tảng nguồn nhân lực kỹ năng chuyên nghiệp và thúc đẩy liên kết quốc tế (Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam).

Hồ Hương (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.